Mức giá cao/thấp 52 tuần là gì?
Mức giá cao/thấp 52 tuần là mức giá cao nhất và thấp nhất mà tại đó một chứng khoán, chẳng hạn như cổ phiếu, đã được giao dịch trong khoảng thời gian tương đương một năm.
Những điểm chính
- Mức giá cao/thấp 52 tuần là mức giá cao nhất và thấp nhất mà một chứng khoán đã được giao dịch trong một năm và được xem là một chỉ báo kỹ thuật.
- Mức giá cao/thấp 52 tuần dựa trên giá đóng cửa hàng ngày của chứng khoán.
- Thông thường, mức cao 52 tuần thể hiện mức kháng cự, trong khi mức thấp 52 tuần là mức hỗ trợ mà các trader có thể sử dụng để kích hoạt các quyết định giao dịch.
Tìm hiểu về mức giá cao/thấp 52 tuần
Mức giá cao/thấp 52 tuần là một chỉ báo kỹ thuật được sử dụng bởi các trader và nhà đầu tư xem những số liệu này là một yếu tố quan trọng trong việc phân tích giá trị hiện tại của chứng khoán và dự đoán về biến động giá trong tương lai.
Một nhà đầu tư có thể quan tâm đến một cổ phiếu hơn khi giá của nó gần chạm mức cao hoặc mức thấp của vùng giá trong 52 tuần (vùng giữa mức thấp và mức cao trong 52 tuần).
Mức giá cao/thấp 52 tuần dựa trên giá đóng cửa hàng ngày của chứng khoán. Thông thường, một cổ phiếu có thể vượt mức giá cao trong 52 tuần, nhưng giá khi đóng cửa lại thấp hơn mức cao trước đó, do đó sẽ không được công nhận.
Quy tắc tương tự cũng được áp dụng khi một cổ phiếu tạo mức thấp 52 tuần mới trong phiên giao dịch nhưng không đóng cửa ở mức thấp mới này. Trong những trường hợp này, việc không đạt tới mức đóng cửa cao/thấp 52 tuần có thể khá nhiều.
Mức giá cao/thấp 52 tuần có thể được sử dụng để xác định điểm vào hoặc điểm thoát thị trường với một cổ phiếu nhất định. Ví dụ, các trader chứng khoán có thể mua một cổ phiếu khi giá vượt qua mức cao nhất trong 52 tuần hoặc bán khi giá giảm xuống dưới mức thấp nhất trong 52 tuần.
Lí do đằng sau chiến lược này là nếu giá vượt ra khỏi vùng giá 52 tuần (cả trên hoặc dưới vùng này), phải có một số yếu tố tạo đủ động lực để giá tiếp tục di chuyển theo cùng một hướng. Khi sử dụng chiến lược này, một nhà đầu tư có thể sử dụng các lệnh dừng để mở vị thế mới hoặc thêm vào các vị thế hiện có.
Việc khối lượng giao dịch của một cổ phiếu nhất định tăng đột biến khi vượt qua giới hạn 52 tuần không phải hiếm.
Theo nghiên cứu “Mô hình khối lượng giao dịch và giá xung quanh mức cao và thấp trong 52 tuần của cổ phiếu: Lý thuyết và bằng chứng” (được thực hiện bởi các nhà kinh tế tại Đại học bang Pennsylvania, Đại học Bắc Carolina ở Chapel Hill, và Đại học California, Davis vào năm 2008), các cổ phiếu nhỏ vượt qua mức cao 52 tuần của chúng tạo ra mức tăng 0,6275% trong tuần tiếp theo.
Tương tự, các cổ phiếu lớn đã tạo ra mức tăng 0,1795% trong tuần tiếp theo. Tuy nhiên, theo thời gian, hiệu ứng của mức cao (hay thấp) 52 tuần trở nên rõ rệt hơn với các cổ phiếu lớn. Trái lại, trên cơ sở tổng thể, các phạm vi giao dịch này ảnh hưởng đến các cổ phiếu nhỏ nhiều hơn so với các cổ phiếu lớn.
Mức giá cao/thấp 52 tuần đảo chiều
Một cổ phiếu đạt mức cao trong 52 tuần sau đó lại kết thúc tiêu cực trong cùng một ngày, có thể đã đạt đỉnh và khó tăng nhiều trong thời gian gần.
Điều đó có thể được xác định nếu nó tạo thành một mô hình đảo chiều giảm (mô hình nến shooting star), xảy ra khi một chứng khoán giao dịch cao hơn đáng kể so với giá mở cửa, nhưng giảm sau đó trong ngày để đóng cửa ở mức giá thấp hơn hoặc gần giá mở cửa.
Thông thường, các chuyên gia và tổ chức sử dụng mức cao 52 tuần để thiết lập các lệnh chốt lời như một cách khóa lợi nhuận. Họ cũng có thể sử dụng mức thấp 52 tuần để xác định điểm cắt lỗ nhằm hạn chế tổn thất.
Với xu hướng đi lên cố hữu trên các thị trường chứng khoán, mức cao 52 tuần đại diện cho tâm lý thị trường tăng. Thường có rất nhiều nhà đầu tư sẵn sàng từ bỏ mức tăng giá cao hơn nữa để khóa một phần hoặc toàn bộ lợi nhuận của họ.
Các cổ phiếu tạo ra mức cao 52 tuần mới thường dễ dẫn đến hiện tượng mua vào bán ra khi thấy lãi nhất, tạo thành xu hướng giá đảo ngược.
Tương tự, khi một cổ phiếu tạo ra mức giá thấp 52 tuần mới nhưng lại không đóng cửa ở mức đó vào cũng ngày, đó có thể là dấu hiệu của chạm đáy.
Điều này có thể được xác định nếu nó tạo thành một mô hình nền đảo chiều tăng (mô hình cái búa), xảy ra khi một chứng khoán giao dịch với mức giá thấp hơn đáng kể so với giá mở cửa, nhưng sau đó lại tăng giá trong ngày để đóng cửa ở mức cao hơn hoặc gần mức giá mở cửa.
Việc này có thể kích thích những người bán khống bắt đầu lệnh mua vào để đóng vị thế hiện tại (buy to cover), và cũng có thể khuyến khích những người săn cổ phiếu giá rẻ bắt tay vào giao dịch. Các cổ phiếu tạo ra năm mức thấp 52 tuần liên tiếp là dễ nhảy vọt nhất khi một mô hình đảo chiều tăng hình thành.
Ví dụ về mức giá cao/thấp 52 tuần
Giả sử rằng cổ phiếu ABC giao dịch ở mức giá cao nhất là 100 USD và thấp nhất là 75 USD trong một năm. Như vậy, mức giá cao/thấp 52 tuần của nó là 100 USD/75 USD. Thông thường, 100 USD được coi là mức kháng cự trong khi 75 USD được coi là mức hỗ trợ. Điều này có nghĩa là các trader sẽ bắt đầu bán ra khi cổ phiếu đạt đến mức 100 USD và mua vào khi cổ phiếu chạm ngưỡng 75 đô la.
Nếu cổ phiếu đó vượt qua một trong hai giới hạn của vùng giá, thì các trader sẽ bắt đầu các vị thế mua hoặc vị thế bán mới, tùy thuộc vào mức cao 52 tuần hay thấp 52 tuần bị phá vỡ.