Trang chủKiến ThứcBollinger Bands là gì? Cách sử dụng BB chính xác nhất

Bollinger Bands là gì? Cách sử dụng BB chính xác nhất

Nếu có một danh sách các chỉ báo kỹ thuật phổ biến nhất, sẽ không khó để bạn tìm thấy cái tên Bollinger Bands. Chỉ báo này từ lâu đã là một người bạn đồng hành với nhiều nhà giao dịch. Nó được sử dụng trên khắp các thị trường như Forex, cổ phiếu, hàng hóa, vân vân và mây mây.

Trong bài hôm nay, hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về chỉ báo Bollinger Bands và cách sử dụng nó trong giao dịch nhé!

1. Bollinger Bands là gì?

Bollinger Bands, còn được gọi là Dải Bollinger hay BB, là một chỉ báo kỹ thuật thường được sử dụng để xác định xu hướng trên thị trường. Chỉ báo này được cấu tạo bởi 3 dải, được gọi là dải trên, dải dưới và dải giữa.

Bollinger Bands được giới thiệu lần đầu vào năm 1983 bởi John Bollinger – một nhà đầu tư và chuyên gia phân tích kỹ thuật rất nổi tiếng. Công thức để tạo nên chỉ báo này là:

  • Dải trên = SMA (20) + (độ lệch chuẩn 20 kỳ của giá x 2)
  • Dải giữa = SMA (20)
  • Dải dưới = SMA (20) – (Độ lệch chuẩn 20 kỳ của giá x 2)

*SMA (20) là đường trung bình động đơn giản 20 kỳ

Tất nhiên, bạn không cần phải thuộc lòng công thức này. Hầu hết các phần mềm giao dịch hiện nay đều có chức năng tính và vẽ tự động các dải Bollinger trên đồ thị.

  1. Cách cài đặt Bollinger Bands trên MT4

Việc cài đặt Bollinger Bands trên phần mềm giao dịch MetaTrader 4 (MT4) khá đơn giản. Bạn chỉ cần bấm vào chữ Insert ở thanh phía trên cùng, chọn Indicators > Trend > Bollinger Bands. Cửa sổ cài đặt chỉ báo này sẽ hiện lên.

Cách cài đặt Bollinger Bands trên MT4

Tại đây, bạn sẽ thấy có 2 thông số quan trọng là Period (giai đoạn)Deviations (Độ lệch chuẩn). Mức mặc định của chúng lần lượt là 20 và 2. Bạn có thể sử dụng luôn các mức này hoặc chọn mức tùy theo ý muốn của bạn, sau đó bấm OK.

Lưu ý:

  • Period càng thấp thì các dải Bollinger sẽ càng nhạy hơn với diễn biến giá
  • Deviations càng thấp thì các dải Bollinger trên và dưới càng thu hẹp khoảng cách với dải giữa

Một cách khác để cài đặt Bollinger Bands là bạn tìm chỉ báo này trong phần Indicators > Trend ở hộp Navigator phía bên trái màn hình. Bạn hãy nhấn đúp hoặc kéo thả chỉ báo này lên đồ thị; cửa sổ cài đặt chỉ báo này cũng sẽ hiện lên.

  1. Ý nghĩa trong các diễn biến của Bollinger Bands

Để sử dụng Bollinger Bands hiệu quả trong giao dịch, chúng ta cần hiểu được các diễn biến của chỉ báo này.

Dải giữa cho biết xu hướng thị trường

Dải Bollinger giữa – SMA (20) – đóng vai trò như một chỉ báo xu hướng.

  • Khi giá chạy trên dải giữa, thị trường đang trong xu hướng tăng, hoặc ít nhất thì bên mua đang có ưu thế hơn
  • Khi giá chạy dưới dải giữa, thị trường đang trong xu hướng giảm, hoặc ít nhất thì bên bán đang có ưu thế hơn

Khoảng cách giữa các dải Bollinger cho biết mức độ biến động của thị trường

Khi các dải Bollinger thu hẹp lại với nhau (siết chặt), điều đó ám chỉ rằng giá của một tài sản đang có mức độ biến động thấp. Đây cũng là tín hiệu cảnh báo rằng có thể sẽ có một sự bùng nổ về giá (biến động mạnh) trong tương lai, mang đến các cơ hội giao dịch.

Ngược lại, khi khoảng cách giữa các dải Bollinger lớn, điều đó ám chỉ rằng giá của một tài sản đang biến động mạnh.

Tín hiệu quá mua / quá bán được xác định khi giá tiến đến dải trên / dải dưới

Nhiều nhà giao dịch tin rằng khi giá của một tài sản tiếp cận dải Bollinger trên, tài sản đó đã bị quá mua. Ngược lại, khi giá của một tài sản tiếp cận dải Bollinger dưới, tài sản đó đã bị quá bán.

Tuy vậy, phương pháp xác định này có độ chính xác không cao trong điều kiện thị trường ngày nay. Nó cũng rất khó để áp dụng trên các thị trường như Forex, hàng hóa và tiền điện tử. Để xác định đúng trạng thái của tài sản, các nhà giao dịch thường kết hợp tín hiệu trên với tín hiệu của một số chỉ báo dao động khác, chẳng hạn như RSI hoặc CCI.

  1. Các chiến lược giao dịch với Bollinger Bands

Có 2 chiến lược giao dịch với Bollinger Bands thường được sử dụng là:

  • Mua thấp, bán cao
  • Giao dịch nút thắt cổ chai

Chúng ta cùng đi sâu vào tìm hiểu từng chiến lược nhé!

a) Mua thấp, bán cao

Đây còn được gọi là chiến lược giao dịch trong kênh giá của Bollinger Bands. Giá di chuyển bên trong các dải Bollinger đến 80% thời gian, nên bạn có thể:

  • Tìm kiếm cơ hội bán khi giá chạm hoặc vượt quá dải trên
  • Tìm kiếm cơ hội mua khi giá chạm hoặc vượt quá dải dưới

Nói cách khác, dải Bollinger trên được xem là một ngưỡng kháng cự linh hoạt, còn dải Bollinger dưới được xem là một ngưỡng hỗ trợ linh hoạt.

Dưới đây là ví dụ:

Các chiến lược giao dịch với Bollinger Bands

Một số lưu ý khi áp dụng chiến lược này là:

  • Chiến lược này hiệu quả nhất khi thị trường đi ngang hoặc tích lũy. Nếu thị trường đang trong xu hướng tăng hoặc giảm mạnh, bạn không nên sử dụng chiến lược này
  • Để chắc chắn hơn, bạn nên đợi giá quay trở lại vào trong các dải Bollinger rồi hẵng vào lệnh. Đừng vào lệnh ngay khi giá mới chạm dải trên hoặc dải dưới
  • Nếu xuất hiện nhiều cây nến tăng / giảm liên tiếp với thân nến dài và dày, hãy hết sức thận trọng khi sử dụng chiến lược này

b) Giao dịch nút thắt cổ chai

Chiến lược này còn được gọi là chiến lược giao dịch phá vỡ (breakout).

Khi giá đi ngang hoặc tích lũy trong một biên độ nhất định, đó được gọi là giai đoạn “nút thắt cổ chai”. Khoảng cách giữa các dải Bollinger thường sẽ rất hẹp trong giai đoạn này.

Sau một thời gian tích lũy, giá sẽ có sự đột phá tăng hoặc giảm. Lúc này, khoảng cách giữa các dải Bollinger sẽ mở rộng; đây chính là thời điểm bạn vào lệnh.

  • Nếu giá đóng cửa trên dải Bollinger trên, bạn có thể vào lệnh mua ngay hoặc tìm cơ hội mua trong nhịp điều chỉnh
  • Nếu giá đóng cửa dưới dải Bollinger dưới, bạn có thể vào lệnh bán ngay hoặc tìm cơ hội bán trong nhịp điều chỉnh

Dưới đây là ví dụ:

Giao dịch nút thắt cổ chai

Một số lưu ý khi áp dụng chiến lược này là:

  • Chiến lược này hiệu quả nhất khi thị trường đang có xu hướng. Bạn nên tìm kiếm cơ hội mua / bán theo xu hướng chủ đạo
  • Để xác định xu hướng chủ đạo chính xác hơn, bạn có thể sử dụng thêm một chỉ báo xu hướng như MA 200 (đường trung bình động 200 kỳ)
    • Nếu giá chạy trên đường này, tín hiệu mua sẽ đáng tin cậy hơn
    • Nếu giá chạy dưới đường này, tín hiệu bán sẽ đáng tin cậy hơn

Ví dụ:

Một số lưu ý khi áp dụng chiến lược này là:

Xem thêm: Chỉ số tài chính EPS trong chứng khoán là gì?

Kết luận

Bollinger Bands là một chỉ báo rất đa năng và hiệu quả. Nó không chỉ giúp các nhà giao dịch xác định xu hướng giá của một tài sản, mà còn cung cấp thông tin về lực của xu hướng và tình trạng quá mua / quá bán của tài sản đó.

Để nâng cao hơn nữa tính hiệu quả của Bollinger Bands, bạn có thể kết hợp nó với một số chỉ báo khác như MACD hoặc RSI. Đây cũng là khuyến nghị của John Bollinger. Theo ông, việc kết hợp như vậy sẽ tạo ra một hệ thống giao dịch hoàn chỉnh hơn.

Đánh giá bài viết

0 / 5. Lượt đánh giá: 0

Translator
Translator
Hơn 10 năm kinh nghiệm làm nhân viên ngân hàng, hiện đang tư vấn cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp về đầu tư, bảo hiểm, ...
BÀI VIẾT LIÊN QUAN KHÁC
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT NỔI BẬT