Trang chủKiến ThứcChiến thuật giao dịch Phá Vỡ Giả - False Breakout

Chiến thuật giao dịch Phá Vỡ Giả – False Breakout

Một trong những kịch bản thị trường đầu tiên và đồng thời là mẫu hình giao dịch tiềm năng mà các trader thường gặp là phá vỡ vùng giá. Điều này có thể là do kiểu hình của vùng giá rất dễ xác định và khi nhìn vào, các trader cũng khá dễ dàng biết được nên vào lệnh tại đâu, hay nói cách khác tức là khi giá di chuyển ra ngoài vùng biên độ xác định.

Xem thêm: Đường trung bình động (Moving Average) trong giao dịch Forex

Chiến thuật giao dịch Phá Vỡ Giả - False Breakout

Mặc dù cũng có một số người tin rằng giao dịch theo tín hiệu phá vỡ vùng giá có thể hứa hẹn mang lại lợi nhuận rất cao khi giá thoát ra khỏi vùng biên độ, nhưng đây lại là một chiến lược không mang lại lợi ích đối với hầu hết các trader mới vào nghề. Bài viết sau đây sẽ vạch ra ba nguyên nhân lý giải cho điều này và đưa ra hai chiến lược thay thế cho các trader tập sự.

Phá vỡ giả – false breakout

Về bản chất, hiện tượng phá vỡ giả luôn có khả năng xuất hiện trong các vùng giá. Phá vỡ giả là khi giá di chuyển vượt ra ngoài vùng biên độ giá đã hình thành trước đó nhưng sau đó quay ngược trở lại bên trong vùng giá.

Vì vùng giá chính là “sàn đấu” nổ ra cuộc chiến giằng co giữa phe mua và phe bán theo hai hướng ngược nhau, nên hiện tượng phá vỡ giả thường xảy ra bởi vì các ngưỡng hỗ trợ và kháng cự không hẳn lúc nào cũng chính xác 100%.

Mặc dù công cụ lọc có thể giúp giảm bớt số lượng lệnh giao dịch bị mắc bẫy phá vỡ giả, nhưng những lệnh giao dịch thua lỗ này sẽ ăn mòn mất phần lợi nhuận mà bạn kiếm được thông qua các lệnh giao dịch đúng sóng phá vỡ thật.

Giá điều chỉnh về điểm phá vỡ

Tình huống “dở khóc dở cười” sau đây là một trường hợp ví dụ điển hình khi một số trader thử áp dụng chiến lược giao dịch phá vỡ vùng giá: Trader Nguyễn Văn A cảm thấy như “mở cờ trong bụng” khi lãi tạm tính của anh tăng lên vì giá đã di chuyển ra khỏi vùng biên độ và người trader này chắc ăn rằng đó là kiểu hình phá vỡ đúng mẫu chuẩn.

Giá sau đó quay đầu lại về điểm vào lệnh (ngay ngoài vùng biên độ). Thông thường, diễn biến như thế này sẽ khiến các trader chỉ thu được vỏn vẹn một khoản lợi nhuận rất nhỏ hoặc thua lỗ nhẹ bởi vì họ sẽ có cảm giác rằng đây có khả năng là đợt phá vỡ giả.

Tiếp theo giá điều chỉnh lại, quay trở về điểm phá vỡ ban đầu và sau đó lại di chuyển cùng hướng theo hướng phá vỡ. Trader Nguyễn Văn A bất lực khi nhìn lệnh giao dịch bị đá văng ra khỏi thị trường khi giá điều chỉnh chỉ để cuối cùng chứng kiến rằng đó thực sự là một cú phá vỡ thật.

Theo dữ liệu thống kê của Charles D. Kirkpatrick và Julie R. Dahlquist (trong quyểnTechnical Analysis: The Complete Resource for Financial Market Technicians”, tạm dịch Phân tích kỹ thuật: kiến thức trọn bộ cho chuyên viên thị trường tài chính”), trong khoảng một nửa số trường hợp phá vỡ, giá sẽ quay trở lại điểm bứt phá khỏi vùng biên độ trước khi tiếp tục chuyển động theo cùng hướng phá vỡ ban đầu.

Thêm vào đó, các trường hợp phá vỡ giả cũng xuất hiện với tần suất cao nên hầu hết các trader mới vào nghề đều bị thua lỗ khi giá “bẻ cua gắt” và cuối cùng họ bị đá văng khỏi thị trường, mất đi cơ hội cưỡi sóng lớn.

Sóng bứt phá mạnh hiếm khi xuất hiện

Tuy nhiên, vấn đề cơ bản là thị trường thường rất hiếm khi bứt phá mạnh trong một thời gian ngắn, trong khi số lượng vùng giá tiềm năng thì có nhiều vô kể. Các phương pháp phân tích kỹ thuật truyền thống thường đặt mức mục tiêu chốt lời cách một khoảng bằng với chiều cao của vùng giá (mức kháng cự trừ mức hỗ trợ) tính từ điểm phá vỡ.

Mặc dù cách đặt mức lợi nhuận mục tiêu như vậy cũng được xem là hợp lý, nhưng những đợt sóng bứt phá bùng nổ không xuất hiện nhiều như những trader mới vào nghề thường nghĩ. Mặc dù có nhiều bài viết thường lấy ví dụ về hiện tượng phá vỡ vùng giá bằng cách dẫn chứng về một mã cổ phiếu hoặc một loại hàng hóa nào đó tăng/giảm bứt phá ra khỏi vùng giá và mang lại lợi nhuận khủng cho trader.

Nhưng với hàng trăm vùng giá tiềm năng xuất hiện trên biểu đồ của vô vàn mã tài sản giao dịch khác nhau trên thị trường quốc tế, liệu bạn sẽ có bao nhiêu cơ hội chọn ra đúng một số ít mã thực sự phá vỡ vùng giá với lực bứt phá mạnh mẽ? Khả năng này sẽ không cao. Tính thêm cả hai vấn đề hóc búa khác về vùng giá (như đã đề cập ở trên), liệu bạn sẽ có bao nhiêu cơ hội đặt đúng lệnh giao dịch khi sóng bứt phá thực sự xuất hiện?

Chiến lược thay thế

Đối với hầu hết các trader mới vào nghề, chiến lược giao dịch theo đà phá vỡ vùng giá sẽ là một phương pháp chỉ mang lại kết quả thất bại. Khi giá phá vỡ giả, họ sẽ bị thua lỗ, trong khi sóng điều chỉnh sẽ che mờ đi cơ hội phá vỡ “thật”, khiến các trader non tay bị loại khỏi cuộc chơi và sóng bứt phá bùng nổ thường rất hiếm khi xuất hiện do thị trường có vô số vùng giá tiềm năng.

Mặc dù các trader thường rất khó kiếm lời từ việc giao dịch theo chiến lược phá vỡ vùng giá, nhưng sẽ có những lựa chọn thay thế cho các trader này với cơ hội thành công cao hơn nhưng cũng chỉ sử dụng cùng một mẫu biểu đồ.

Quan trọng hơn hết, với tư cách là trader, bạn cần phải quên đi ý định vào lệnh ngay khi sóng bứt phá tiềm năng chỉ mới chớm lộ diện. Nếu giá thực sự sắp phá vỡ “thật”, điều này trước sau gì cũng sẽ xảy ra và sẽ biểu hiện rõ ràng trên biểu đồ sau một thời gian. Khi đó chính là thời điểm mà bạn có thể nâng cao cơ hội theo hướng có lợi cho mình.

Nếu giá quay đầu trở lại mức phá vỡ và sau đó bắt đầu di chuyển cùng hướng bứt phá ra khỏi vùng giá, khi đó bạn có thể vào lệnh giao dịch theo hướng này mà vẫn cảm thấy an lòng hơn nhiều với niềm tin chắc ăn rằng đợt phá vỡ đó là phá vỡ thật. Tất nhiên, không phải lúc nào giá cũng hồi về điểm phá vỡ.

Trong số các đợt phá vỡ “thật”, có 50% khả năng giá sẽ quay đầu trở lại vùng biên độ cũ. Nếu giá không quay đầu trở lại, bạn có thể đợi cho đến khi xu hướng mới hình thành và sau đó áp dụng chiến lược giao dịch theo xu hướng.

Cả hai phương pháp vừa nêu đều có tác dụng làm giảm đáng kể rủi ro mắc bẫy phá vỡ giả cho các trader. Khi sóng phá vỡ xuất hiện và bắt đầu có những chuyển động đầu tiên, bạn sẽ dễ dàng “tham chiến” ở thời điểm đó hơn so với khi nhảy vào thị trường ngay tại mức giá mà nhiều trader khác cũng đang căng mắt theo dõi.

Nếu chịu khó kiên nhẫn, bạn sẽ có thể để cho giá tự chuyển động và biết được hiện tượng phá vỡ có thực sự xảy ra hay không. Vào lúc đó, bạn có thể tham gia vào thị trường để đón đầu xu hướng giá tiềm năng hoặc đang có khả năng trỗi dậy.

Kết luận

Vùng giá thường rất dễ phát hiện, do đó chiến lược giao dịch theo hướng phá vỡ vùng giá rất phổ biến trong giới trader. Tuy nhiên, có không ít trader đã phải ngậm đắng nuốt cay vì chiến lược này, chủ yếu là do họ mắc bẫy phá vỡ giả, hay do thị trường “bẻ lái” điều chỉnh về điểm phá vỡ hoặc do chính họ đặt ra những kỳ vọng phi thực tế.

Những chiến lược có tỷ lệ thành công cao hơn là những chiến lược đòi hỏi bản thân người áp dụng phải đủ kiên nhẫn và chịu khó chờ đợi cho đến khi giá thực sự phá vỡ khỏi vùng biên độ quan tâm và sau đó vào lệnh giao dịch xuôi theo xu hướng nếu có, hoặc chờ cho thị trường điều chỉnh và từ đó cân nhắc xem liệu giá có tiếp tục đi theo hướng phá vỡ hay không.

Nhatkytraders

Đánh giá bài viết

0 / 5. Lượt đánh giá: 0

Translator
Translator
Hơn 10 năm kinh nghiệm làm nhân viên ngân hàng, hiện đang tư vấn cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp về đầu tư, bảo hiểm, ...
BÀI VIẾT LIÊN QUAN KHÁC
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT NỔI BẬT