Cuối tuần vừa rồi thì FED và US Department of Treasury đã phát hành một chính sách mới gọi là Bank Term Funding Program (BTFP) để “cứu” hệ thống tài chính. Chính sách này sẽ hỗ trợ thanh khoản trên thị trường bằng việc cho các cơ quan tài chính vay tiền tới 1 năm khi sử dụng trái phiếu chính phủ hay các loại trái phiếu khác phù hợp làm tài sản đảm bảo. Điểm đặc biệt ở chính sách này là việc giá trị cho vay sẽ bằng mệnh giá (par value) của tài sản thay vì giá trị hiện tại trên thị trường (market value). Điều này là rất có lợi cho việc đảm bảo thanh khoản của các cơ quan tài chính sở hữu nhiều trái phiếu chính phủ, đặc biệt là khi mà giá trị hiện tại của những tài sản này đã rơi rất thảm sau cuộc tăng lãi suất của FED năm ngoái. Tuy nhiên theo mình thì chính sách này chỉ có thể mua thêm một chút thời gian cho FED, nhưng sẽ không giúp được nền kinh tế Mỹ (và toàn cầu) tránh được một cuộc suy thoái sâu.
Công cuộc lãi suất của FED sắp dừng lại ?
Silicon Valley Bank (SVB) không phải là một mắt xích quan trọng trong hệ thống tài chính giống như Lehman Brothers năm 2007-2008. Chính vì thế mà việc SVB phá sản sẽ không có nhiều tác động trực tiếp tới tới thị trường, ngoại trừ có lẽ sẽ khó tránh khỏi việc một vài công ty start up hay VCs nổ tung. Tuy nhiên, không có tác động trực tiếp không có nghĩa là không có rủi ro. Thay vào đó thì nhận thức về rủi ro (risk perception) trên thị trường đã hoàn toàn thay đổi và bằng một cách chóng mặt. Mới chỉ tuần trước thị trường còn đang nhìn vào một nền kinh tế mạnh với dữ liệu việc làm ổn định, lạm phát cao, no landing, soft landing, v.v. và phản ánh về việc FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất, thậm chí là 0.5% ở kì họp tới, trên đà nâng lãi suất trần của chu kì này lên tới 5.5%-6%. Sang đến tuần này, mặc dù là CPI vẫn cao, tăng 0.4% trong tháng 2, hay là thị trường việc làm tăng 311,000 người cùng kì, đơn giản là không ai còn nói về những dự liệu này nữa, mọi con mắt đổ dồn về hệ thống ngân hàng. Cho đến thời điểm hiện tại, đã có 3 ngân hàng phá sản chỉ trong vài ngày, và thị trường đã bắt đầu phản ảnh 50-50 về việc FED chỉ có thể tăng lãi suất 0.25%, hoặc thậm chí sẽ dừng việc nâng lãi suất ở kì họp tới. Sự việc với SVB đã khiến các người chơi trong thị trường tỉnh dậy và nhận ra rằng nền kinh tế có vẻ không ổn như trên dự liệu về việc làm hay CPI đang cho thấy.
SVB có lỗi, nhiều lỗi là khác, trong cách quản lý sổ sách của mình. Tuy nhiên thì mọi chuyện sẽ không bung bét thế này nếu như nền kinh tế Mỹ đang “nóng” giống như FED hay truyền thông đang nói. SVB đã quá tin vào FED và đặt hầu như toàn bộ danh mục TP của họ vào mục nắm giữ tới đáo hạn (held to maturity). Việc này khiến cho SVB không quá quan tâm tới giá trị trên thị trường (market value) danh mục TP của họ, vì đây chỉ lỗ/lãi là trên giấy, và nếu SVB giữ hết đống TP này tới khi đáo hạn thì sẽ không mất một xu nào cả. Nhưng thực tế là nền kinh tế không hề “nóng”, mà trái lại đang suy yếu cực nhanh. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu của các công ty start up và VCs, khiến cho họ phải đốt đi rất nhiều tiền gửi (deposits). Đồng thời thì thanh khoản của thị trường tài chính cũng đã tệ đi rất nhiều. Vì những lý do này mà SVB đã không xoay được đủ tiền để có thể cân đối sổ một cách kịp thời, dẫn tới việc họ buộc phải bán một phần danh mục TP, biến $1.8 tỷ lỗ giấy thành lỗ thực. Đây chính là sự kiện khiến mọi con mắt đổ dồn vào sổ sách của SVB, và thị trường nhanh chóng nhận ra rằng SVB đang ngụp lặn trong một biển lỗ (giấy) từ danh mục TP của họ. Không chỉ có vậy, phần lớn số tiền gửi tại SVB là không đảm bảo, tức là trên mức $250,000 từ FDIC. Lo sợ về việc mất tiền, một cuộc chạy ngân hàng (bank run) ngoạn mục đã xảy ra với SVB chỉ trong 2 ngày thứ 5 và thứ 6, khiến cho SVB buộc phải ngưng hoạt động.
Đây không phải là bài viết về SVB. Đây cũng không phải là vấn đề đặc biệt với SVB. Nếu tất cả mọi người cùng đổ đi rút tiền mặt trong hôm nay, tất cả ngân hàng sẽ phá sản. Điều chúng tôi muốn nhấn mạnh ở đây là việc nhận thức về rủi ro, dù có rủi ro thật hay không, có thể thay đổi nhanh chóng và điều này có tác động rất lớn tới các thị trường tài chính. Một ví dụ minh họa rằng bạn đang trong ở một rạp chiếu phim chỉ có một lối ra, có một vài người đã nhìn thấy khói hoặc ngửi thấy mùi khét, tuy nhiên thì phải đến khi đám cháy đủ to để đủ người nhận ra và chạy về phía cửa thì tất cả mọi người mới bắt đầu hoảng sợ và giẫm đạp lên nhau để cứu lấy bản thân. Trong trường hợp của SVB, nếu như cuộc chạy ngân hàng không diễn ra quá nhanh, có thể SVB đã tìm được một cách nào đấy để tồn tại, nhưng phép màu đã không xảy ra, mọi người cuống cuồng chạy đi cứu lấy bản thân, và SVB đã biến mất.
Lợi suất nghịch đảo vẫn đang báo hiệu rằng thị trường còn tồn tại rất nhiều rủi ro, và các nhà đầu tư thì đã bắt đầu nhận thức được và bắt đầu chuẩn bị cho điều này. Đây là lúc mà tài sản có tính chất an toàn và thanh khoản cao được đặt lên hàng đầu, có giá trị nhất là trái phiếu chính phủ Mỹ. Những ngày vừa qua đã có rất nhiều nhu cầu mua trái phiếu chính phủ Mỹ, đặc biệt là ở khu vực ngắn hạn. Thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ đã xảy ra hiện tượng “bull steppening”, là khi mà lợi suất của trái phiếu chính phủ ngắn hạn giảm nhanh hơn lợi suất của trái phiếu chính phủ dài hạn. Đây thường được coi là một tín hiệu xấu vì thị trường đang đặt nhiều kì vọng rằng công cuộc lãi suất của FED sắp dừng lại, không phải là vì FED muốn dừng lại, mà có một sự kiện gì đó buộc FED phải dừng lại. Chính xác là điều gì đang làm cho thị trường phải lo sợ thì không ai biết, chỉ biết rằng nó đang tới rất gần…