Fibonacci là một công cụ phân tích kỹ thuật rất được các nhà giao dịch Forex ưa dùng. Lý do ư? Đơn giản là vì nó hiệu quả và dễ sử dụng.

Có nhiều loại Fibonacci khác nhau như:
- Hồi quy Fibonacci
- Fibonacci mở rộng
- Fibonacci vòng cung
- Fibonacci quạt
Trong bài hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về loại Fibonacci được sử dụng nhiều nhất, đó là Hồi quy Fibonacci.
Hồi quy Fibonacci là gì?
Hồi quy Fibonacci (Fibonacci retracement) là một công cụ dùng để xác định các ngưỡng nơi nhịp điều chỉnh của giá có khả năng kết thúc. Công cụ này còn có một số cái tên khác như:
- Fibonacci hồi quy
- Fibonacci thoái lui
Hồi quy Fibonacci được xây dựng dựa trên dãy số nổi tiếng của nhà toán học người Ý Leonardo Fibonacci. Ông sống vào thế kỷ 12 và được một số người xem là “nhà toán học tài ba nhất thời Trung Cổ”.
Các số đầu tiên của dãy Fibonacci là 1, 1, 2, 3, 5, 8, 13, 21, 34, 55, 89, 144, 233, 377, 610… Bạn có thấy quy luật gì đặc biệt của dãy số này không?
Trong dãy số này, số tiếp theo là tổng của hai số liền trước. Ngoài ra, khi đem chia các số với nhau, bạn sẽ thấy chúng luôn có các tỷ lệ nhất định như:
- 0%
- 23,6%
- 38,2%
- 61,8%
- 78,6%
- 100%
Các tỷ lệ này được sử dụng cho công cụ Hồi quy Fibonacci. Dưới đây là hình ảnh của công cụ này khi được vẽ trên đồ thị.

Xem thêm: Bollinger Bands là gì? Cách sử dụng BB chính xác nhất
Cách vẽ Hồi quy Fibonacci trong MT4
Trong MetaTrader 4 (MT4) – nền tảng giao dịch thịnh hành nhất hiện nay, công cụ Hồi quy Fibonacci đã được tích hợp sẵn. Để mở công cụ này, bạn hãy bấm vào chữ Insert ở thanh trên cùng của MT4, chọn Fibonacci > Retracement.
Hồi quy Fibonacci thuộc nhóm các công cụ “vẽ tay”, tức là bạn phải tự xác định một số điểm trên biểu đồ giá và vẽ một cách bán thủ công. MT4 sẽ giúp bạn một nửa công việc vẽ.
Có 2 cách vẽ Fibonacci, đó là vẽ trên cả một xu hướng hoặc chỉ vẽ cho pha tăng / giảm giá gần nhất. Nhiều nhà giao dịch thường áp dụng cả 2 cách này để tìm thêm các điểm vào lệnh tiềm năng.
Các bước để vẽ Hồi quy Fibonacci là:
- Xác định điểm cao nhất và điểm thấp nhất trong xu hướng, hoặc trong pha tăng / giảm giá gần nhất
- Vẽ Hồi quy Fibonacci
- Để vẽ trong xu hướng tăng hoặc trong một pha tăng giá, bạn sẽ kéo từ điểm thấp nhất đến điểm cao nhất
- Để vẽ trong xu hướng giảm hoặc trong một pha giảm giá, bạn sẽ kéo từ điểm cao nhất đến điểm thấp nhất
Dưới đây là ví dụ:
Xu hướng tăng

Xu hướng giảm

Cách sử dụng Hồi quy Fibonacci trong giao dịch
Trong xu hướng tăng, sẽ có lúc thị trường ngừng tăng và quay đầu giảm. Ngược lại, trong xu hướng giảm, sẽ có lúc thị trường ngừng giảm và quay đầu tăng. Những pha đi ngược xu hướng chính đó được gọi là nhịp điều chỉnh.
Hồi quy Fibonacci thường được sử dụng để xác định các ngưỡng giá tiềm năng nơi thị trường có thể kết thúc việc điều chỉnh và tiếp tục đi theo xu hướng chính.
Cùng xem thử một ví dụ nhé!

Trong ví dụ trên, cặp tiền EUR/USD đã di chuyển trong xu hướng giảm, sau đó điều chỉnh tăng đến quanh ngưỡng 38,2% của Hồi quy Fibonacci và kết thúc quá trình điều chỉnh tại đây. Giá sau đó đã tiếp tục xu hướng giảm.
Có thể nói, các mức 38,2%, 50%, 61,8%… của Hồi quy Fibonacci trong ví dụ này là các ngưỡng kháng cự. Chúng giúp bạn xác định những nơi bên bán sẽ trở lại và áp đảo cuộc chơi. Đó cũng chính là những khu vực tiềm năng để bạn vào lệnh bán.
Lưu ý: Hồi quy Fibonacci chỉ báo hiệu cho bạn các ngưỡng giá nơi thị trường CÓ THỂ kết thúc việc điều chỉnh, chứ không phải là CHẮC CHẮN kết thúc việc điều chỉnh.
Có những trường hợp, pha điều chỉnh của thị trường là điểm khởi đầu của một xu hướng mới. Nói cách khác, đó là một cú đảo chiều xu hướng. Giá sau đó xuyên phá toàn bộ các ngưỡng Hồi quy Fibonacci và đi theo xu hướng mới. Vì thế, đừng bao giờ đặt tất cả niềm tin vào một ngưỡng Hồi quy Fibonacci nào đó nhé!
Chiến lược giao dịch với Hồi quy Fibonacci
Giống như nhiều chỉ báo, Hồi quy Fibonacci sẽ hiệu quả hơn khi được kết hợp khéo léo với các công cụ phân tích khác. Một trong các lựa chọn tốt nhất là kết hợp công cụ này với chỉ báo Moving Average và các mô hình nến.
Moving Average (MA), còn gọi là đường trung bình động, là một chỉ báo quá đỗi quen thuộc với các nhà giao dịch. Chỉ báo này giúp bạn xác định xu hướng trên thị trường vô cùng chính xác và linh hoạt. Khi sử dụng Hồi quy Fibonacci, việc xác định xu hướng thị trường là rất quan trọng, nên dễ hiểu vì sao nó và đường MA lại trở thành những người bạn thân thiết.
Đối với mô hình nến, chúng cung cấp cho bạn thông tin về diễn biến giá, giúp bạn xác định tín hiệu mua / bán quanh các ngưỡng Hồi quy Fibonacci chính xác hơn.
Dưới đây là cách sử dụng hệ thống giao dịch này:
Tín hiệu mua:
- Giá di chuyển theo xu hướng tăng (chạy trên đường trung bình động)
- Giá sau đó điều chỉnh giảm về một trong các ngưỡng Hồi quy Fibonacci
- Xuất hiện mô hình nến báo hiệu khả năng giá sẽ tiếp tục tăng
Tín hiệu bán:
- Giá di chuyển theo xu hướng giảm (chạy dưới đường trung bình động)
- Giá sau đó điều chỉnh tăng đến một trong các ngưỡng Hồi quy Fibonacci
- Xuất hiện mô hình nến báo hiệu khả năng giá sẽ tiếp tục giảm
Ví dụ:

Trong ví dụ trên, chúng ta có thể thấy xu hướng chủ đạo của cặp tiền USD/CAD là xu hướng tăng (giá chạy trên đường trung bình động màu xanh). Sau khi điều chỉnh giảm về ngưỡng Hồi quy Fibonacci 50,0%, giá đã hình thành một mô hình nến Morning Star (Sao mai). Tín hiệu này báo hiệu khả năng tăng giá; vì thế, bạn có thể vào lệnh mua cặp tiền này.
Một số mẹo khi giao dịch với Hồi quy Fibonacci
- Ngoài đường trung bình động, bạn có thể kết hợp Hồi quy Fibonacci với các chỉ báo xu hướng khác như Envelopes, Bollinger Bands, v.v.
- Các ngưỡng Hồi quy Fibonacci thường được dùng là 23,6%, 38,2%, 50% và 61,8%. Ngoài ra, còn có một ngưỡng phổ biến khác là 78,6%. Bạn có thể cài thêm ngưỡng này trên MT4
- Chiến lược thông thường là đợi giá phản ứng với một trong các ngưỡng Hồi quy Fibonacci rồi mới vào lệnh. Tuy nhiên, bạn cũng có thể sử dụng chiến lược chia nhỏ khối lượng giao dịch và rải lệnh ở mọi ngưỡng Hồi quy Fibonacci. Làm như vậy thì sẽ tiết kiệm thời gian theo dõi thị trường hơn; tuy nhiên, rủi ro cũng sẽ cao hơn
- Về mức cắt lỗ và chốt lời cho lệnh, bạn có thể đặt quanh các ngưỡng Fibonacci kế tiếp. Ví dụ: Nếu bạn vào lệnh mua tại ngưỡng 50,0%, bạn có thể đặt mức chốt lời quanh ngưỡng 38,2% và đặt mức cắt lỗ dưới ngưỡng 61,8% một chút
- Hãy cố gắng chọn mức cắt lỗ và chốt lời sao cho đúng với quy tắc quản lý vốn. Theo khuyến nghị của nhiều chuyên gia, mức chốt lời nên gấp ít nhất 2 lần mức cắt lỗ (ví dụ: cắt lỗ 20 pip thì nên chốt lời ít nhất 40 pip)