Trang chủBlogMô hình 3 đỉnh (Triple Top)

Mô hình 3 đỉnh (Triple Top)

Mô hình 3 đỉnh là một mô hình đảo chiều giảm, báo hiệu thị trường sắp kết thúc xu hướng tăng và phe bán đang chuẩn bị thắng thế.

Mô hình 3 đỉnh khởi đầu bằng xu hướng tăng, tức phe mua đang thắng thế và đồ thị lập đỉnh mới. Sau khi lập đỉnh mới, giá có sự điều chỉnh. Lúc này, xu hướng chính vẫn là xu hướng tăng.

Xu hướng tăng bắt đầu yếu dần ở đỉnh thứ 2, khi phe mua không đủ lực đẩy giá bật cao khỏi đỉnh đầu tiên. Lúc này, giá điều chỉnh lần 2 và tạo vùng tích lũy.

Ở lần tăng thứ 3, nỗ lực của phe mua chính thức thất bại. Giá không vượt được 2 đỉnh đã tạo trước đó và giảm phá vỡ vùng hỗ trợ, bắt đầu xu hướng giảm. Mô hình 3 đỉnh hoàn tất.

Những sai lầm khi giao dịch mô hình 3 đỉnh và cách khắc phục

Mô hình 3 đỉnh khá trực quan và dễ hiểu, tuy nhiên, anh em vẫn có thể mắc sai lầm dẫn đến thua lỗ.

Đầu tiên, anh em có thể vào lệnh quá sớm khi mô hình chưa hoàn thành. Vùng vào lệnh bán của mô hình 3 đỉnh cũng chính là vùng hỗ trợ nên nếu vào lệnh quá sớm tại vùng này, áp lực mua cao có thể khiến giá bật trở lại khiến anh em thua lỗ.

Trong ví dụ bên dưới của đồ thị cặp GBP/AUD, khi giá giảm đến vùng hỗ trợ đã được phe mua đẩy giá mạnh khiến xu hướng tăng tiếp tục. Trong trường hợp này nếu đặt lệnh bán quá sớm sẽ bị dính cắt lỗ.

Sai lầm thứ 2 khi giao dịch mô hình 2 đỉnh là hành vi “đuổi theo giá”. Nhiều trường hợp khi giá vừa phá cản đã giảm rất nhanh, dẫn đến anh em vào lệnh trễ. Lúc này, giá đã ở khá xa cản vừa phá và có thể quay về bất cứ lúc nào, nên khi vào lệnh muộn sẽ dẫn đến thua lỗ.

Trong ví dụ bên dưới của biểu đồ USD/CAD, giá phá hỗ trợ ở mức 1.32650 nhưng giảm quá nhanh. Nếu bán đuổi theo lệnh (đặt lệnh market), anh em có thể bị dính mức giá 1.32000 và không còn lợi nhuận nữa. Lý tưởng ở đây là đặt lệnh sell limit ở giá 1.32650 và chờ đồ thị lên kiểm tra lại hỗ trợ vừa phá.

Cách giao dịch mô hình 3 đỉnh

Sau khi biết các sai lầm cần tránh, đây là 4 thời điểm anh em có thể dùng để giao dịch. Mô hình 3 đỉnh có thể vào lệnh khi có: phá vỡ giả, tích lũy, mô hình tiếp diễn và hành vi giá lần đầu.

Thời điểm đầu tiên để giao dịch mô hình 3 đỉnh là khi mô hình xuất hiện phá vỡ giả (false breakout). Phá vỡ giả là khi giá vượt kháng cự của mô hình, nhưng nhanh chóng quay trở lại mô hình và đây là thời điểm anh em vào lệnh bán, với mức stoploss ở ngay trên đỉnh vừa được tạo.

Trong ví dụ bên dưới của đồ thị GBP/USD, phá vỡ giả xuất hiện ở đỉnh thứ 3 với một cây nến marubozu đỏ. Đây là thời điểm lý tưởng để vào lệnh bán.

Cách giao dịch mô hình 3 đỉnh

Thời điểm thứ 2 để vào lệnh là khi giá tạo vùng tích lũy gần kháng cự. Trong ví dụ bên dưới, khi giá đến vùng hỗ trợ đã xuất hiện cụm nến tích lũy, thời điểm để vào lệnh bán. Cắt lỗ sẽ đặt ngay trên vùng tích lũy với rủi ro thấp.

Cách giao dịch mô hình 3 đỉnh

Thời điểm thứ 3 để vào lệnh bán là khi biểu đồ xuất hiện mô hình tiếp diễn sau khi phá vỡ. Trong ví dụ bên dưới, sau khi giá phá vỡ kháng cự đã tạo mô hình cờ giảm, thời điểm hoàn hảo để vào lệnh bán ngay.

Cách giao dịch mô hình 3 đỉnh

Tuy nhiên, anh em lưu ý chỉ vào lệnh ở mô hình tiếp diễn đầu tiên ngay sau phá vỡ. Vì càng để lâu, các mô hình tiếp diễn sau đó càng giảm lực bán. Các mô hình tiếp diễn anh em có thể dùng để vào lệnh là mô hình cờ giảm, mô hình nêm giảm hoặc mô hình cờ đuôi nheo giảm.

Thời điểm cuối cùng thích hợp để vào lệnh là khi đồ thị có hành vi giá lần đầu. Hành vi giá được định nghĩa là sự quay về xác nhận lại vùng hỗ trợ hoặc kháng cự vừa phá vỡ trước đó. Trong mô hình 3 đỉnh, hành vi giá lần đầu là thời điểm phù hợp để vào lệnh bán.

Trong ví dụ đồ thị vàng XAU/USD bên dưới, khi giá phá vỡ hỗ trợ thì hỗ trợ đã trở thành kháng cự. Lúc giá quay lại vùng kháng cự đã xuất hiện cây nến búa đi kèm với marubozu đỏ từ chối vùng này tạo cơ hội để vào lệnh.

Cách giao dịch mô hình 3 đỉnh

Khi nào tránh giao dịch mô hình 3 đỉnh

Mô hình 3 đỉnh có những lúc không giảm mà sẽ tiếp tục xu hướng tăng. Dưới đây là những trường hợp anh em cần tránh giao dịch mô hình 3 đỉnh.

  1. Đáy cao dần

Nếu mô hình 3 đỉnh có đáy cao dần, nó sẽ trở thành mô hình tam giác tăng. Mô hình tam giác tăng thể hiện phe mua sẵn sàng đẩy giá cao hơn bất cứ lúc nào. Do đó đây là một mô hình tiếp diễn với khả năng cao đồ thị sẽ tiếp tục xu hướng tăng. Nếu anh em thấy mô hình này, đừng bao giờ vào lệnh bán.

Trong ví dụ bên dưới của đồ thị CAD/CHF, mô hình 3 đỉnh có đáy cao dần này thực chất là mô hình tam giác tăng, với kết quả là xu hướng tăng được tiếp tục sau đó.

Đáy cao dần

  1. Xu hướng tăng ở khung thời gian dài hạn

Khi giao dịch, anh em cũng cần chú ý đến xu hướng dài hạn. Nếu xu hướng dài hạn đang là xu hướng tăng, khả năng cao mô hình 3 đỉnh sẽ thất bại.

Ví dụ, nếu anh em phát hiện mô hình 3 đỉnh ở nến ngày, nhưng nến tuần đang là xu hướng tăng, hãy đứng ngoài và không vào lệnh.

Tất nhiên là điều ngược lại cũng đúng, nghĩa là nếu anh em phát hiện thấy xu hướng giảm ở khung dài hạn thì đây là cơ hội tuyệt vời để vào lệnh.

Trong ví dụ bên dưới của biểu đồ GBP/JPY, mô hình 3 đỉnh được hình thành ở nến 4 giờ, và trong biểu đồ nến ngày thì giá đang ở kháng cự cứng của đỉnh trước đó. Đây là một cơ hội tuyệt vời để vào lệnh bán.

Xu hướng tăng ở khung thời gian dài hạn Xu hướng tăng ở khung thời gian dài hạn

Tham khảo thêm: Mô hình 3 đỉnh và mô hình 3 đáy là gì? Cách nhận diện

Lời kết

Mô hình 3 đỉnh là một mô hình đảo chiều từ tăng sang giảm. Mô hình này cho tín hiệu vào lệnh bán ở các thời điểm khác nhau, và anh em nên tránh vào lệnh khi mô hình đang có đáy cao dần hoặc đang bị áp lực tăng từ khung thời gian lớn hơn. Để giao dịch mô hình 3 đỉnh, cách tốt nhất là tìm mô hình trong biểu đồ có xu hướng giảm ở khung thời gian dài hạn.

Chúc anh em thành công!

BÀI VIẾT LIÊN QUAN KHÁC
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT NỔI BẬT