Trang chủKiến ThứcMô hình cốc tay cầm (cup and handle) là gì? Cách thực...

Mô hình cốc tay cầm (cup and handle) là gì? Cách thực hiện giao dịch

Giống như nhiều mô hình giá khác, mô hình cốc tay cầm (cup and handle) là một mô hình rất phổ biến trong phân tích kỹ thuật. Mô hình này có cấu tạo phức tạp hơn một chút so với các mô hình thông thường nhưng bù lại, độ chính xác của nó có phần nhỉnh hơn.

Mô hình cốc tay cầm (cup and handle) là gì? Cách thực hiện giao dịch
Mô hình cốc tay cầm (cup and handle) là gì? Cách thực hiện giao dịch

Trong bài ngày hôm nay, hãy cùng nhatkytraders.com chúng tôi tìm hiểu thật chi tiết về mô hình này nhé!

 Mô hình cốc tay cầm (cup and handle) là gì?

Mô hình cốc tay cầm là một mô hình báo hiệu sự tiếp diễn của xu hướng tăng. Phiên bản đảo ngược của nó – mô hình cốc tay cầm ngược (inverted cup and handle) – báo hiệu sự tiếp diễn của xu hướng giảm.

Mô hình này được giới thiệu lần đầu vào năm 1988 trong cuốn sách “How to Make Money in Stocks” (Cách kiếm tiền từ chứng khoán) của William J. O’Neil. Ông đã giới thiệu rất chi tiết về mô hình này và cách xác định nó trên từng khung thời gian.

Cấu tạo

Mô hình cốc tay cầm có 2 thành phần chính, đó là phần cốc và phần tay cầm.

  • Phần cốc: Thường có hình chữ U hoặc V. Nó biểu thị cho chuỗi ngày giá tài sản giảm, tạo đáy và đi lên (hoặc tăng, tạo đỉnh và suy yếu đối với mô hình cốc tay cầm ngược)
  • Phần tay cầm: Đây là giai đoạn giá điều chỉnh sau khi chạm mức cao nhất của phần cốc, và sau đó đột phá mức này. Phần tay cầm xuất hiện thường là do các nhà giao dịch chốt lời.

Về hình dáng là vậy, nhưng mô hình này cũng có những điều kiện hình thành nhất định. Chúng ta sẽ đi sâu vào tìm hiểu ngay sau đây.

a) Mô hình cốc tay cầm

William J. O’Neil đã mô tả 4 giai đoạn giá hình thành mô hình cốc tay cầm trên thị trường chứng khoán như sau:

  • Giá cổ phiếu tăng nhanh trong khoảng 1 đến 3 tháng và thiết lập một đỉnh mới (gọi là A) trong xu hướng tăng
  • Giá điều chỉnh giảm và sau đó tạo một đáy tròn. Điểm thấp nhất của đáy không sâu hơn 50% độ cao của xu hướng tăng. Đây chính là phần cốc
  • Giá tăng trở lại đỉnh A và điều chỉnh giảm một lần nữa (nhưng lần này nhẹ hơn). Đây là phần tay cầm
  • Khi lực giảm triệt tiêu, giá tăng và phá vỡ đỉnh A, sau đó di chuyển một khoảng cách bằng với độ sâu của phần cốc
Mô hình cốc tay cầm
Mô hình cốc tay cầm

Trong ví dụ trên, cổ phiếu GOOGL (Alphabet inc.) đã tăng giá mạnh từ giữa tháng 7 đến đầu tháng 9 năm 2021, sau đó thiết lập mô hình này trong gần 2 tháng (từ đầu tháng 9 đến cuối tháng 10 năm 2021). Phần cốc được xây dựng trong 1,5 tháng, và phần tay cầm mất khoảng nửa tháng để hình thành.

b) Mô hình cốc tay cầm ngược

Đối với mô hình cốc tay cầm ngược, quy tắc hình thành sẽ ngược lại:

  • Giá cổ phiếu giảm nhanh trong khoảng 1 đến 3 tháng và thiết lập một đáy mới (gọi là A) trong xu hướng giảm
  • Giá điều chỉnh tăng và sau đó tạo một đỉnh tròn. Điểm cao nhất của đỉnh này không cao hơn 50% độ sâu của xu hướng giảm. Đây chính là phần cốc ngược
  • Giá giảm trở lại đáy A và điều chỉnh tăng một lần nữa (nhưng lần này nhẹ hơn). Đây là phần tay cầm ngược
  • Khi lực tăng triệt tiêu, giá giảm và phá vỡ đáy A, sau đó di chuyển một khoảng cách bằng với độ cao của phần cốc
Mô hình cốc tay cầm ngược
Mô hình cốc tay cầm ngược

Với ví dụ trên, cổ phiếu HPQ (HP inc.) đã giảm giá mạnh từ cuối tháng 7 đến nửa đầu tháng 9 năm 2011, sau đó thiết lập mô hình cốc tay cầm ngược trong 9 tháng (từ tháng 9/2011 đến tháng 6/2012). Phần cốc ngược được xây dựng trong 8 tháng, và phần tay ngược cầm mất khoảng 1 tháng để hình thành.

Cách giao dịch với mô hình cốc tay cầm và cốc tay cầm ngược

a) Mô hình cốc tay cầm

Cách giao dịch với mô hình cốc tay cầm là như sau:

  • Bạn vào lệnh mua khi giá phá vỡ biên trên của phần tay cầm (đóng cửa trên mức này)
  • Mức cắt lỗ nên được đặt thấp hơn điểm thấp nhất của phần tay cầm một chút. Nếu giá rơi trở lại xuống dưới điểm này, mô hình được xem là không hoạt động
  • Mức chốt lời sẽ được thiết lập bằng khoảng cách từ điểm phá vỡ đến đáy của phần cốc, tính từ điểm phá vỡ lên

    Mô hình cốc tay cầm
    Mô hình cốc tay cầm

b) Mô hình cốc tay cầm ngược

Cách giao dịch với mô hình cốc tay cầm ngược là như sau:

  • Bạn vào lệnh bán khi giá phá vỡ biên dưới của phần tay cầm ngược (đóng cửa dưới mức này)
  • Mức cắt lỗ nên được đặt cao hơn điểm cao nhất của phần tay cầm ngược một chút. Nếu giá tăng trở lại lên trên điểm này, mô hình được xem là không hoạt động
  • Mức chốt lời sẽ được thiết lập bằng khoảng cách từ điểm phá vỡ đến đỉnh của phần cốc ngược, tính từ điểm phá vỡ xuống
Mô hình cốc tay cầm ngược
Mô hình cốc tay cầm ngược

Các mẹo khi xác định và giao dịch

  • Trước khi mô hình cốc tay cầm xuất hiện, giá phải di chuyển theo xu hướng tăng. Ngược lại, trước khi mô hình cốc tay cầm ngược xuất hiện, giá phải di chuyển theo xu hướng giảm
  • Độ sâu của phần đáy cốc thường chỉ bằng 2/3 hoặc ít hơn so với độ cao của pha tăng giá gần nhất. Sự điều chỉnh càng mạnh thì tỷ lệ thành công của mô hình càng thấp. Nếu giá điều chỉnh hơn 50% so với độ cao của cả xu hướng trước đó, mô hình sẽ bị loại bỏ
  • Phần cốc có hình chữ U sẽ đáng tin cậy hơn so với chữ V
  • Theo quan sát của nhiều nhà đầu tư chứng khoán, thời gian để mô hình cốc tay cầm hình thành trên thị trường chứng khoán sẽ là từ 1 đến 6 tháng
  • Đỉnh cốc bên phải và bên trái có thể không bằng nhau
  • Phần tay cầm thường kéo dài từ 1 đến 4 tuần, và nó thường nằm gọn trong nửa trên của phần cốc
  • Khi giá phá vỡ lên trên đỉnh của phần tay cầm, khối lượng giao dịch thường tăng mạnh
  • Đối với các thị trường khác như Forex, hàng hóa, tiền điện tử, v.v., thời gian hình thành mô hình cốc tay cầm sẽ khác. Có rất nhiều biến thể của mô hình này dành cho các khung thời gian từ ngắn đến dài hạn.
  • Giống như mọi mô hình giá khác, việc kết hợp khéo léo mô hình cốc tay cầm với các tín hiệu nến hay chỉ báo khác có thể giúp bạn nâng cao hiệu suất giao dịch.
BÀI VIẾT LIÊN QUAN KHÁC
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT NỔI BẬT