Nhóm OPEC+ đã gây bất ngờ cho thị trường bằng việc cắt giảm sản lượng dầu đáng kể thêm 1,6 triệu thùng/ngày (khoảng 1,6% nhu cầu dầu) vào hôm thứ 2 vừa qua, đẩy giá dầu Brent tăng vọt khoảng 7% lên quanh mức 80 USD/thùng. Trong số các nước cắt sản lượng, lớn nhất là Arab Saudi (43%), tiếp theo là Iraq (18%), UAE (12%).
OPEC cắt giảm sản lượng liệu có đẩy giá dầu quay lại mốc 100 USD?
Nếu chúng ta nhìn lại một chút thì các động thái cắt giảm sản lượng của OPEC là một cách để tái cân bằng cung-cầu dầu trên thị trường. Chẳng hạn vào tháng 4/2020 khi giá dầu giảm mạnh, hợp đồng tương lai dầu WTI giao dịch âm lần đầu tiên khiến OPEC phải cắt giảm 10 triệu thùng/ngày để tái cân bằng thị trường. Hay đến tháng 11/2022, OPEC một lần nữa cắt khoảng 2 triệu thùng/ngày để đối phó với tình trạng giá dầu giảm sâu trong 5 tháng liên tiếp do triển vọng kinh tế toàn cầu gặp khó khăn. Giá dầu ngay lập tức đã tăng lại sau các quyết định này của OPEC.
Nhìn chung, bức tranh thị trường dầu cũng có sự chuyển dịch lớn trong khoảng 2 năm gần đây. Trước đó, Mỹ có lợi thế hơn nhờ công nghệ sản xuất đá phiến nên có thể tự chủ nguồn cung và điều tiết giá dầu ở mức phù hợp nếu áp lực tăng lên dầu. Một động lực lớn cho họ là việc Fed duy trì lãi suất ở mức thấp giúp chi phí vốn của các doanh nghiệp sản xuất đá phiến ở mức thấp. Nhưng giờ đây, trong bối cảnh mặt bằng lãi suất tăng cao cùng với quá trình chuyển đổi năng lượng, các chinh sách liên quan hạn chế đầu tư mới vào sản xuất dầu đã khiến Mỹ giảm bớt lợi thế trong cuộc chiến kiểm soát vàng đen với các nước khác.
Theo đó, OPEC có thể đang nghiêng dần về phía Trung Quốc và Nga về vấn đề giá dầu. Đồng minh quan trọng của Mỹ trong OPEC là Arab Saudi có thể đã mất niềm tin vào Mỹ khi Mỹ bình luận sẽ mất nhiều năm để bổ sung Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược. Ngoài ra, chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Riyadh vào cuối năm ngoái được cho là thúc đẩy mối quan hệ giữa hai bên trong bối cảnh Bắc Kinh là đối tác nhập khẩu dầu lớn nhất của Arab Saudi.
Bức tranh của giá dầu trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào một số theme lớn. Đối với chiều tăng là (i) Vấn đề địa chính trị Nga-Ukraine vẫn dai dẳng; (ii) Trung Quốc mở cửa kinh tế (Bắc Kinh là nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới). Đối với chiều giảm là nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Sau động thái cắt giảm sản lượng của OPEC, nhiều định chế lớn là JPMorgan và Goldman Sachs đã nâng dự báo giá dầu Brent đến cuối năm lên quanh khoảng 90-100 USD/ thùng. Nếu những dự báo này là đúng thì tình trạng đình lạm (stagflation) như lo ngại của nhiều economist rất có thể sẽ xảy ra. Và đồng nghĩa với đó, khả năng Fed giảm lãi suất sớm có thể sẽ còn lâu nữa chúng ta mới thấy.