Trang chủKiến ThứcPhân tích cơ bản (phần 1)

Phân tích cơ bản (phần 1)

Phân tích cơ bản là phương pháp đo lường giá trị nội tại của chứng khoán bằng cách xem xét các yếu tố kinh tế và tài chính liên quan. Các nhà phân tích cơ bản nghiên cứu mọi điều có thể tác động đến giá trị của chứng khoán, từ các yếu tố kinh tế vĩ mô như tình trạng của nền kinh tế và hiện trạng ngành, đến các yếu tố kinh tế vi mô như hiệu quả quản lý của công ty.

Phân tích cơ bản là gì?

Mục đích cuối cùng nhằm đưa ra một con số để nhà đầu tư có thể so sánh với giá hiện tại của chứng khoán, xem liệu chứng khoán đó đang bị định giá thấp hay được định giá quá cao.

Phương pháp phân tích cổ phiếu này trái ngược với phân tích kỹ thuật, là phương pháp dự báo chiều hướng biến động giá thông qua phân tích dữ liệu lịch sử thị trường, thường về giá cả và khối lượng.

Một số điểm chính

  • Phân tích cơ bản là một phương pháp xác định giá trị thực hoặc “giá thị trường hợp lý” của một cổ phiếu.
  • Các nhà phân tích cơ bản tìm kiếm những cổ phiếu hiện đang giao dịch ở mức giá cao hơn hoặc thấp hơn giá trị thực của chúng.
  • Nếu giá thị trường hợp lý cao hơn giá thị trường, cổ phiếu được coi là bị định giá thấp và được khuyến nghị mua.
  • Ngược lại, các nhà phân tích kỹ thuật bỏ qua các thông tin cơ bản mà tập trung nghiên cứu xu hướng lịch sử giá của cổ phiếu.

Hiểu thêm về phân tích cơ bản

Mọi phân tích cổ phiếu đều nhằm kiểm chứng xem chúng có đang được định giá chính xác trên thị trường giao dịch hay không. Phân tích cơ bản thường được thực hiện từ góc độ vĩ mô đến vi mô để tìm ra những cổ phiếu chưa được thị trường định giá đúng.

Các nhà phân tích thường nghiên cứu lần lượt từ tình trạng tổng thể của nền kinh tế, sức mạnh của một ngành cụ thể, trước khi tập trung vào hoạt động của từng công ty để tìm ra giá thị trường hợp lý cho cổ phiếu đó.

Phân tích cơ bản sử dụng dữ liệu công khai để định giá giá trị của cổ phiếu hoặc bất kỳ loại chứng khoán nào khác. Ví dụ, nhà đầu tư có thể thực hiện phân tích cơ bản giá trị của một trái phiếu bằng cách xem xét các điều kiện kinh tế như lãi suất và tình trạng chung của nền kinh tế, sau đó nghiên cứu thông tin về công ty phát hành trái phiếu, chẳng hạn những thay đổi tiềm năng trong xếp hạng tín nhiệm của công ty.

Đối với cổ phiếu, phân tích cơ bản sử dụng doanh thu, thu nhập, tăng trưởng trong tương lai, lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, lợi nhuận biên và các dữ liệu khác để xác định giá trị cơ bản của công ty và tiềm năng phát triển trong tương lai. Tất cả dữ liệu này đều có sẵn trong báo cáo tài chính của công ty (chi tiết ở bài sau).

Phân tích cơ bản thường được dùng phổ biến nhất cho cổ phiếu, nhưng cũng rất hữu ích để đánh giá bất kỳ loại chứng khoán nào, từ trái phiếu đến công cụ phái sinh. Nếu đang xem xét những thông tin cơ bản, từ tổng thể nền kinh tế đến thông tin chi tiết về công ty, tức là bạn đang thực hiện phân tích cơ bản.

Xem thêm: Phân tích cơ bản trong forex

Hiểu thêm về phân tích cơ bản

Đầu tư và phân tích cơ bản

Nhà phân tích tìm cách tạo ra một mô hình xác định giá trị ước tính của cổ phiếu công ty dựa trên dữ liệu công khai có sẵn. Giá trị này chỉ là ước tính, theo quan điểm có cơ sở ​​của nhà phân tích, xem giá cổ phiếu của công ty đúng ra nên là bao nhiêu so với giá thị trường hiện tại. Một số nhà phân tích coi giá ước tính của họ là giá trị nội tại của công ty.

Nếu một nhà phân tích tính ra rằng giá trị của cổ phiếu phải cao hơn đáng kể so với giá thị trường hiện tại của nó, họ có thể công bố một phân tích nên mua hoặc tăng tỉ trọng của cổ phiếu đó, như một khuyến nghị cho những nhà đầu tư theo dõi mình. Nếu nhà phân tích tính toán giá trị nội tại thấp hơn giá thị trường hiện tại, cổ phiếu được coi là định giá quá cao và được khuyến nghị bán hoặc giảm tỉ trọng.

Các nhà đầu tư thực hiện theo các khuyến nghị này kỳ vọng rằng họ có thể mua những cổ phiếu có khuyến nghị tốt vì chúng có xác suất cao hơn sẽ tăng giá trị trong tương lai. Tương tự, những cổ phiếu được đánh giá không khả quan sẽ có khả năng giảm giá cao hơn. Những cổ phiếu này là có thể bị loại khỏi danh mục đầu tư hiện tại hoặc thực hiện “bán khống”.

Phương pháp phân tích cổ phiếu này được coi là trái ngược với phân tích kỹ thuật, là phương pháp dự đoán xu hướng biến động giá cả thông qua phân tích dữ liệu lịch sử thị trường, thường là về giá cả và khối lượng.

Phân tích định lượng và định tính trong phân tích cơ bản

Cái khó của việc xác định từ “cơ bản” là nó có thể bao hàm mọi thứ có liên quan đến tình trạng kinh tế của một công ty. Hiển nhiên chúng bao gồm những con số như doanh thu và lợi nhuận, nhưng đồng thời cũng bao gồm mọi yếu tố từ thị phần của một công ty đến chất lượng quản lý của công ty đó.

Các thông tin cơ bản khác nhau có thể được nhóm lại thành hai loại: định lượng và định tính. Ý nghĩa tài chính của các thuật ngữ này không khác nhiều so với định nghĩa chuẩn của chúng. Đây là cách từ điển định nghĩa các thuật ngữ này:

  • Định lượng – “liên quan đến thông tin có thể được biểu thị bằng số và lượng.”
  • Định tính – “liên quan đến bản chất hoặc chuẩn mực của một thứ hơn là số lượng của nó.”

Trong trường hợp này, thông tin định lượng cơ bản là những con số cụ thể. Chúng là những đặc điểm có thể đo lường được của một doanh nghiệp. Đó là lý do tại sao nguồn dữ liệu định lượng lớn nhất là báo cáo tài chính. Doanh thu, lợi nhuận, tài sản, v.v. có thể được tính toán với độ chính xác cao.

Các thông tin định tính cơ bản thì ít hữu hình hơn. Chúng có thể là trình độ của những giám đốc điều hành chủ chốt của công ty, mức độ nhận diện thương hiệu, bằng sáng chế và công nghệ độc quyền.

Không có cách nào tốt hơn giữa phân tích định tính và định lượng. Nhiều nhà phân tích sử dụng chúng đồng thời.

Nhatkytraders

Đánh giá bài viết

0 / 5. Lượt đánh giá: 0

Translator
Translator
Hơn 10 năm kinh nghiệm làm nhân viên ngân hàng, hiện đang tư vấn cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp về đầu tư, bảo hiểm, ...
BÀI VIẾT LIÊN QUAN KHÁC
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT NỔI BẬT