Trang chủBlogRSI là gì? Phương pháp giao dịch cổ phiếu hiệu quả với...

RSI là gì? Phương pháp giao dịch cổ phiếu hiệu quả với RSI

Chỉ báo RSI: Định nghĩa và cách sử dụng trong giao dịch cổ phiếu

Nếu duyệt một danh sách các chỉ báo được sử dụng nhiều nhất trong đầu tư chứng khoán, sẽ không khó để tìm thấy cái tên RSI ở ngay phần đầu. Chỉ báo này từ lâu đã là một trợ thủ đắc lực của các nhà đầu tư tài chính. RSI được sử dụng rộng rãi không chỉ trên thị trường chứng khoán, mà còn trên nhiều thị trường khác.

Trong bài viết hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về RSI và cách sử dụng chỉ báo này trong giao dịch cổ phiếu nhé!

1. RSI là gì?

Chỉ báo RSI được giới thiệu lần đầu vào năm 1978 bởi J.Welles Wilder – một chuyên gia phân tích kỹ thuật và đầu tư chứng khoán rất thành công ở Mỹ. Tên đầy đủ của chỉ báo này là Relative Strength Index, và đã được “việt hóa” thành Chỉ số sức mạnh tương đối.

Nói một chút về J.Welles Wilder thì ông sinh ngày 11-06-1935 tại thành phố Norris thuộc bang Tennessee của Mỹ. Ông vốn là một kỹ sư cơ khí, nhưng về sau đã dấn thân vào lĩnh vực bất động sản và chứng khoán. Với khả năng tính toán, phân tích và sự kỷ luật của mình, Welles Wilder đã tạo ra rất nhiều chỉ báo kỹ thuật còn dùng cho đến ngày nay như RSI, MACD, ADX, ATR, Parabolic SAR…

RSI được xếp vào nhóm chỉ báo dao động (Oscillators), hay còn được gọi là chỉ báo dẫn dắt (leading indicator). Khi được cài lên đồ thị giá, RSI là một đường màu xanh chạy trong một khung có biên độ 0 – 100, nằm tách biệt bên dưới.

Trong khung này, có 2 ngưỡng nổi bật là 30 và 70. Chúng ta sẽ khám phá chức năng của chúng trong các phần dưới nhé!

Tham khảo: Chỉ báo dao động (Momentum indicator) là gì?

2. Cách cài đặt chỉ báo RSI

Công thức toán học để xây dựng đường RSI không quá phức tạp. Đường này được tạo thành từ nhiều điểm nối tiếp nhau, mỗi điểm được tính theo công thức sau:

RSI = 100 – 100 / (1 + RS)

Trong đó:

  • RS = Trung bình X kỳ tăng giá / Trung bình X kỳ mất giá (X là một con số cụ thể)

Chúng ta cũng không cần quá quan tâm đến công thức này vì các phần mềm giao dịch đã có chức năng tính toán và vẽ RSI tự động.

Để cài đặt chỉ báo RSI trên nền tảng MetaTrader 4 (MT4) và MetaTrader 5 (MT5), bạn vào Insert / Indicators / Oscillators và chọn Relative Strength Index. Một cửa sổ sẽ hiện ra; đây là nơi bạn sẽ chọn các thông số cho đường RSI.

Trong các thông số mà bạn nhìn thấy trên cửa sổ, PeriodApply to là 2 thứ cần quan tâm nhất. Ý nghĩa của chúng là:

  • Period là giai đoạn thị trường được sử dụng để tính toán và vẽ RSI. Nó chính là số X trong công thức nêu trên. Thông số Period mặc định là 14, có nghĩa là RSI sẽ được xây dựng dựa trên dữ liệu giá của 14 cây nến gần nhất.
  • Apply to là kiểu dữ liệu giá. Tùy chọn mặc định của phần này là Close, có nghĩa là sử dụng Giá đóng cửa của 14 cây nến gần nhất để tính toán và vẽ RSI.

Đối với các thông số khác, bạn có thể sử dụng các tùy chọn có sẵn.

Trên nền tảng Tradingview, bạn cài đặt RSI bằng cách tìm cụm từ Chỉ số sức mạnh tương đối trong phần Các chỉ báo & chiến lược ở thanh công cụ phía trên cùng.

2. Cách cài đặt chỉ báo RSI

Khá đơn giản phải không nào! Bây giờ, chúng ta sẽ đến với phần chính của bài hôm nay – cách sử dụng RSI trong giao dịch cổ phiếu.

  1. Cách sử dụng RSI trong giao dịch cổ phiếu

Có rất nhiều cách để sử dụng RSI trong giao dịch cổ phiếu, và số lượng cách dùng vẫn đang tăng lên từng ngày. Bài viết này sẽ giới thiệu với bạn 2 cách được sử dụng nhiều nhất.

Cách 1: Xác định các tín hiệu quá mua và quá bán

Đây là cách sử dụng RSI cơ bản nhất. Chúng ta sẽ sử dụng các ngưỡng 30 và 70 trên biểu đồ RSI để xem một cổ phiếu có đang bị quá mua hay quá bán không.

Quá mua là thuật ngữ để chỉ việc một cổ phiếu đang được giao dịch ở mức giá cao hơn mức giá nội tại của nó. Khi một cổ phiếu bị quá mua, giá của nó có thể sẽ giảm trở lại mức giá nội tại trong tương lai.

Nếu đường RSI vượt ngưỡng 70, một cổ phiếu sẽ được coi là quá mua. Khi đó, chúng ta có thể cân nhắc chốt lời lệnh mua trước đó hoặc vào lệnh bán khi đường RSI quay về dưới mức 70.

Cách sử dụng RSI trong giao dịch cổ phiếu

Ngược lại, quá bán là thuật ngữ để chỉ việc một cổ phiếu đang được giao dịch ở mức giá thấp hơn mức giá nội tại của nó. Khi một cổ phiếu bị quá bán, giá của nó có thể sẽ tăng trở lại mức giá nội tại trong tương lai.

Nếu RSI rơi xuống dưới ngưỡng 30, cổ phiếu đó bị coi là quá bán. Khi đó, chúng ta có thể cân nhắc chốt lời lệnh bán trước đó hoặc vào lệnh mua khi đường RSI tăng về trên mức 30.

Cách sử dụng RSI trong giao dịch cổ phiếu

Một số lưu ý quan trọng khi sử dụng chiến lược này là:

  • Khi RSI cho thấy tín hiệu quá mua hoặc quá bán, điều đó không đảm bảo rằng giá cổ phiếu sẽ điều chỉnh về giá nội tại ngay. Trong nhiều trường hợp, giá có thể tăng hoặc giảm thêm một đoạn rất dài nữa trước khi nhịp điều chỉnh xuất hiện
  • Để nâng cao hiệu quả của chiến lược, bạn nên sử dụng kết hợp với các tín hiệu nến và mô hình giá

Cách 2: Giao dịch với các tín hiệu phân kỳ âm và phân kỳ dương

Trong phân tích kỹ thuật, phân kỳ là một trong những tín hiệu được ưa dùng nhất. Phân kỳ là hiện tượng khi giá và chỉ báo dao động (cụ thể ở đây là RSI) biến động khác hướng nhau.

Khi phân kỳ xuất hiện, nó hàm ý rằng xu hướng hiện tại đang yếu dần và giá có khả năng đảo chiều. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng đây chỉ là tín hiệu cảnh báo; việc đảo chiều không chắc chắn sẽ xảy ra.

Có hai loại phân kỳ phổ biến là phân kỳ âm và phân kỳ dương.

Phân kỳ âm (bearish divergence) là hiện tượng giá tăng và tạo ra một đỉnh mới cao hơn đỉnh trước, nhưng đường RSI lại tạo ra một đỉnh thấp hơn đỉnh trước. Khi phân kỳ âm xuất hiện, chúng ta có thể cân nhắc vào lệnh bán cổ phiếu hoặc chốt lời lệnh mua trước đó.

Cách sử dụng RSI trong giao dịch cổ phiếu

Ngược lại, phân kỳ dương (bullish divergence) là hiện tượng giá giảm và tạo ra một đáy mới thấp hơn đáy trước đó, nhưng đường RSI lại tạo ra một đáy cao hơn đáy trước. Khi phân kỳ dương xuất hiện, chúng ta có thể cân nhắc vào lệnh mua cổ phiếu hoặc chốt lời lệnh bán trước đó.

Cách sử dụng RSI trong giao dịch cổ phiếu

Để nâng cao hiệu quả khi giao dịch với các tín hiệu phân kỳ, bạn nên sử dụng kết hợp với các tín hiệu nến và mô hình giá. Bạn cũng có thể kết hợp tín hiệu phân kỳ với các tín hiệu quá mua và quá bán của RSI.

4. Lời kết

Vậy là chúng ta đã cùng nhau khám phá về chỉ báo RSI cũng như một số phương pháp giao dịch cổ phiếu với chỉ báo này.

Nhìn chung, RSI là một chỉ báo rất hữu ích. Nó không chỉ đa năng, mà còn cung cấp các tín hiệu có độ chính xác cao. Tuy nhiên, cũng như mọi chỉ báo khác, RSI không thể cho tín hiệu đạt mức chính xác tuyệt đối.

Khi giao dịch, bạn nên kết hợp RSI với ít nhất một chỉ báo thuộc nhóm chỉ báo chậm (lagging indicator), chẳng hạn như đường trung bình động. Chúng sẽ tạo nên một hệ thống giao dịch linh hoạt hơn với sự thay đổi của điều kiện thị trường.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN KHÁC
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT NỔI BẬT