Trang chủKiến ThứcThị trường Sideway là gì và cách nhận biết (Tháng 9/2021)

Thị trường Sideway là gì và cách nhận biết (Tháng 9/2021)

Khái niệm và cách nhận biết thị trường Sideway

Chắc hẳn bạn đã nghe nói về xu hướng Uptrend (Tăng) và Downtrend (Giảm) khi giao dịch tài chính. Tuy nhiên, ngoài hai khái niệm phổ biến đó thì thị trường còn di chuyển theo hướng Sideway nữa. Vậy thị trường Sideway là gì và làm sao để nhận biết xu hướng này? Bài viết này sẽ cung cấp những thông tin cơ bản nhất cho những nhà đầu tư mới.

1. Thế nào là thị trường Sideway?

Thị trường Sideway, hay còn gọi là Thị trường đi ngang, diễn ra khi giá tài sản dao động trong khu vực được tạo ra bởi mức Kháng cự (Resistance Level) và mức Hỗ trợ (Support Level).

Thông thường, xu hướng Uptrend (Tăng) và Downtrend (Giảm) sẽ tạo ra các đỉnh và đáy có mức độ tăng dần và giảm dần. Nhờ đó, bạn có thể xác định thị trường đang đi lên hay xuống. Tuy nhiên, các đỉnh và đáy này trong thị trường Sideway lại không tuân theo quy luật đó.

Hình trên là ví dụ điển hình cho thị trường Sideway: từ khoảng cuối tháng 7/2020 đến đầu tháng 12/2020, cặp tiền tệ EUR/USD có xu hướng đi ngang. Có thể thấy các đỉnh và đáy của thị trường không đi theo chiều hướng tăng hay giảm dần một cách rõ rệt. Thay vào đó, trong quãng thời gian này, bạn có thể thấy tỷ giá của EUR/USD khá bình ổn và không thể xuống thấp hơn mức hỗ trợ 1.16291 hay cao hơn mức kháng cự 1.19307 (giá chỉ dao động trong một phạm vi nhất định).

2. Vì sao thị trường Sideway xuất hiện?

Vì sao thị trường nhiều khi lại “đi ngang” như vậy? Theo nguyên tắc cơ bản của kinh tế, giá sẽ tăng khi cung thấp hơn cầu và giảm khi cung lớn hơn cầu. Khi thị trường Sideway xuất hiện, các bên mua và bán có sức mạnh tương đương nhau và không bên nào chiếm ưu thế đủ lớn để vượt qua ngưỡng kháng cự và hỗ trợ nhất định trong thời điểm đó. Một vài yếu tố khiến cung cầu trong thị trường Sideway diễn ra cân bằng như vậy là:

  1. Sau giai đoạn tăng hoặc giảm trong thời gian dài, các bên mua và bán quyết định nghỉ ngơi để chuẩn bị cho cho “trận chiến” tiếp theo. Tình huống này thường xảy ra khi gần đến các dịp lễ lớn (như Tết hay Giáng sinh) hoặc khi các nhà đầu tư cảm thấy bản thân đã kiếm đủ trong thời gian này. Khi đó, họ quyết định nghỉ ngơi sau thời gian “cày cuốc”. Trong khi đó, những người khác lại nhìn thấy cơ hội đầu tư trong thời gian này và khiến giá tài sản bước vào giai đoạn tích lũy trước khi di chuyển theo một hướng cụ thể.
  2. Khi thị trường trở nên ảm đạm do nền kinh tế trì trệ, nhiều người quyết định rời đi trong khi một vài người vẫn cố gắng ở lại với hy vọng một thông tin hay quyết định quan trọng nào đó sẽ khiến thị trường diễn ra theo chiều hướng rõ rệt hơn.
  3. Khi các thông tin mang lại ảnh hưởng tích cực và tiêu cực ngang nhau và chưa có bên nào đủ mạnh để đẩy giá theo chiều hướng tăng hoặc giảm.

3. Các dạng thị trường Sideway phổ biến

Trên thực tế, thị trường Sideway không phải lúc nào cũng “đi ngang” như cái tên của nó. Theo đó, thị trường có thể xảy ra theo bốn mô hình Sideway như sau:

Dạng 1: Thị trường đi ngang theo một mức kháng cự và hỗ trợ chính

Đây là mô hình lý tưởng nhất để nhận biết thị trường Sideway. Giá lúc này sẽ dao động trong phạm vi của một mức kháng cự và hỗ trợ cụ thể nào đó. Dĩ nhiên, thực tế cho thấy hiếm khi tất cả các đỉnh và đáy của giá đều nằm trên một vị trí nhất định. Do đó, việc vẽ mức kháng cự và hỗ trợ nằm ngang hoàn hảo là điều khó có thể xảy ra.

Như khoảng thời gian từ tháng 8/2020 đến tháng 12/2020 trong hình dưới, mức kháng cự 1.19307 và hỗ trợ 1.16291 là hai khu vực mà giá EUR/USD đã chạm tới vài lần nhưng đều không thể vượt qua. Đây được xem là mức kháng cự và hỗ trợ chính của giá.

Dạng 2: Thị trường đi ngang theo một mức kháng cự HOẶC hỗ trợ chính

Gần giống với dạng thứ nhất, giá trong mô hình này bị khống chế bởi một mức kháng cự hoặc hỗ trợ chính. Trong trường hợp này, giá sẽ bị nén bởi một điểm kháng cự nào đó trong khi có thể có nhiều điểm hỗ trợ. Hoặc ngược lại, giá sẽ không thể giảm xuống dưới được một mức hỗ trợ chính nào đó trong khi có thể có nhiều kháng cự.

Hình trên là ví dụ điển hình cho dạng này. Bạn sẽ thấy tỷ giá của cặp tiền tệ GBP/CHF trong khoảng thời gian cuối năm 2020 không thể vượt qua mức kháng cự chính là 1.19074 và được hỗ trợ trong vùng 1.17000 – 1.17500.

Dạng 3: Thị trường tạo thành đỉnh và đáy thu hẹp hoặc mở rộng

Đối với mô hình này, các đáy và đỉnh sẽ thu hẹp hoặc mở rộng theo thời gian. Hình dưới cho thấy phạm vi dao động của giá ngày càng hẹp lại trước khi chuyển sang xu hướng giảm vào tháng 3/2021. 

Dạng 4: Thị trường không tuân theo quy tắc nhất định

Ở mô hình cuối cùng, giá không tuân theo bất kỳ một quy tắc nào cả. Trên đồ thị NZD/USD dưới đây, giá trồi sụt liên tục và không có một sự bứt phá nào đáng kể trong khoảng thời gian từ tháng 6/2021 đến giữa tháng 8/2021.

4. Cách nhận biết thị trường Sideway

Nếu không xác định hướng của thị trường thì các nhà đầu tư sẽ gặp khó khăn trong việc đặt lệnh và có thể sẽ bỏ lỡ những cơ hội tốt nhất. Do đó, việc xác định thị trường Sideway là điều vô cùng quan trọng để bạn đưa ra quyết định đầu tư phù hợp. Dưới đây là các cách phổ biến để nhận biết xu hướng này:

Cách 1: Dựa vào mức kháng cự và hỗ trợ

Cách dễ nhất để xác định thị trường đi ngang đó là vẽ được mức hỗ trợ và kháng cự của thị trường. Nếu các đỉnh và đáy tạo ra một trong bốn mô hình Sideway đã kể trên thì xu hướng sẽ là “đi ngang”. Bạn cũng cần lưu ý rằng các mức hỗ trợ và kháng cự không phải một điểm xác định mà là một vùng giá, ví dụ như vùng 1.17000 – 1.17500 tại mô hình Sideway thứ hai.

Cách 2: Dựa vào đường trung bình động (Moving Average – MA)

Đường Trung Bình Động (Moving Average – MA) là một chỉ báo phổ biến được dùng trong phân tích kỹ thuật nhằm giúp các nhà đầu tư xác định xu hướng thị trường. Nó được tạo ra từ trung bình cộng của chuỗi giá trong một quãng thời gian nhất định.

Nếu giá dao động quanh đường Trung Bình Động mà không vượt hẳn lên trên hoặc đi xuống dưới đường này thì có thể coi là thị trường chưa tạo được xu hướng tăng / giảm rõ rệt và đang đi ngang.

Cách 3: Dựa vào chỉ báo Bollinger Band (BB)

Bollinger Band (BB) cũng là chỉ báo được các nhà đầu tư dùng nhiều để xác định xu hướng thị trường. Theo nguyên tắc, dải BB càng hẹp thì thị trường càng ít biến động và giá càng ít có xu hướng dịch chuyển mạnh về một phía (tăng hay giảm). Do đó, khi thấy dải BB nằm ngang và có dạng nút thắt cổ chai như hình dưới thì chứng tỏ thị trường đang đi ngang.

Xem thêm: Cách giao dịch thị trường Sideway (Tháng 9/2021)

Nhatkytraders

Đánh giá bài viết

0 / 5. Lượt đánh giá: 0

Translator
Translator
Hơn 10 năm kinh nghiệm làm nhân viên ngân hàng, hiện đang tư vấn cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp về đầu tư, bảo hiểm, ...
BÀI VIẾT LIÊN QUAN KHÁC
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT NỔI BẬT