Trang chủNhật KýLevel 1Tôi học được gì sau mỗi lần đu đỉnh?

Tôi học được gì sau mỗi lần đu đỉnh?

Chú thích: “Đu đỉnh” là thuật ngữ chỉ những nhà đầu tư mua vào với vị thế giá cao do tâm lý sợ mất cơ hội, thường là khi nhìn thấy cổ phiếu tăng mạnh. Nhưng sau đó cổ phiếu liên tục mất giá, khiến nhà đầu tư chia đôi, chia ba, thậm chí chia n tài khoản.

Tôi học được gì sau mỗi lần đu đỉnh?
“Khóc thét” mỗi lần “đu đỉnh”

Năm ngoái, tôi mở tài khoản chứng khoán và chính thức trở thành nhà đầu tư F0. Tôi từng nghĩ sẽ không bao giờ viết chia sẻ về con đường trading của mình và có lẽ nhiều người cũng suy nghĩ vậy. Thế nhưng càng bước chân vào trading, tôi càng chứng kiến nhiều người xung quanh bị thua lỗ số tiền rất lớn vì “đu đỉnh” giống mình. Tôi lại muốn chia sẻ, biết đâu có thể giúp đỡ những ai đang yên đang lành lại đi tập bơi rồi chẳng biết mấy năm mới nhìn thấy bờ.

FOMO khiến tôi “đu đỉnh”

Tôi vốn là dân văn phòng chính hiệu, công việc là nhận booking quảng cáo tại một tòa soạn. Dịch bệnh COVID-19 kéo dài khiến doanh nghiệp điêu đứng, hoặc hoạt động cầm chừng, hoặc đóng cửa thì lấy đâu ra mà đặt nhiều quảng cáo. Tòa soạn của tôi thất thu, lương thưởng anh em giảm sút kéo theo kế hoạch tài chính của tôi chịu rủi ro lớn.

Tiếp nữa, tôi có anh bạn đồng nghiệp khá thân, cứ suốt ngày rỉ vào tai tôi mấy câu chuyện kiểu:

  • Chơi chứng không? Anh đang theo mấy mã này “ngon” lắm.
  • Ngon nhưng em có biết chơi đâu.
  • Ồi, lúc đầu anh cũng có biết đâu, thấy thằng bạn vào ra mã nào anh cũng theo mã đấy, thế mà anh mới “cưới” được em Hyundai Accent đây này. Cứ mạnh dạn múc đi, không biết chỗ nào anh chỉ.

Nhìn thấy ông anh thời buổi dịch dã mà tiền vẫn rủng rỉnh lại tậu được cả “vợ 2”, đầu tôi cứ vẳng vẳng “Anh đưa em theo với, cầm tay em và đưa lối, đến nơi đâu em có thể ăn chơi trọn đời…”

Thu nhập bấp bênh lại thấy đồng nghiệp liên tục khoe tài sản tăng do đầu tư chứng khoán, thế là sẵn có gần 1 tỷ cả chục năm trời 2 vợ chồng tôi ki cóp gửi tiết kiệm để dành mua chung cư, tôi rút một nửa ra để làm “chứng sĩ” với tâm lý “liều ăn nhiều”, biết đâu may mắn lại được cầm sổ hồng sớm hơn. Dù gì thì lãi suất ngân hàng sao bì được với sức hấp dẫn của chỉ số VN-Index chứ.

Ngẫm lại mới thấy, đúng là “điếc không sợ súng”! Khi đó tôi lạc quan về thị trường chứng khoán bao nhiêu thì sau đó sốc, buồn, thất vọng và thậm chí là tự trách bản thân mình bấy nhiêu vì thị trường đã lao dốc quá nhanh.

Với mức tăng trưởng ấn tượng và thanh khoản tăng cao kỷ lục, thương vụ đấu giá của Tập đoàn Tân Hoàng Minh tại “khu đất vàng” Thủ Thiêm như tiếp thêm sức mạnh cho nhóm bất động sản.

Sau khi được anh em phím hàng, tôi quyết chọn đầu tư vào hai mã cổ phiếu siêu hot do ảnh hưởng của cơn sốt đấu giá đất Thủ Thiêm vào thời điểm tháng 1/2022 là CII của Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật T.P Hồ Chí Minh và NBB của Đầu tư Năm Bảy Bảy.  Thấy giá leo dốc thẳng đứng, tôi mở cờ trong bụng, nhưng lại cứ chần chừ chưa chịu chốt lời.

Trời ơi, sau cú “quay xe” huỷ cọc của Tân Hoàng Minh đã làm cho nhiều cổ phiếu rơi như sao băng. Chốt phiên 27/1, giá cổ phiếu CII gần chạm sàn xuống mức 27.450 đồng/cp, giảm gần 53% sau nửa tháng, tính từ mức đỉnh 57.900 đồng/cp.

Cùng thời điểm, thị giá NBB xuống mức 29.700 đồng/cp, giảm hơn 50% từ vùng giá 59.700 đồng/cp trong vòng 10 phiên giao dịch. Tôi trở tay không kịp, ngậm ngùi nhìn tài khoản “bốc hơi” cả trăm triệu, mất ăn mất ngủ, đứng ngồi không yên theo từng phiên.

FOMO khiến tôi “đu đỉnh”

Tôi học được gì sau mỗi lần đu đỉnh?
Đu đỉnh với CII và NBB – Buồn của tôi

Hiện tại, danh mục đầu tư của tôi “ô dề” lắm, không dám chia sẻ nhiều. Nếu không có giới hạn biên độ giảm thì tôi nghĩ là chứng khoán Việt chắc cũng không hề thua bitcoin về độ khốc liệt.

Tóm lại, tôi học được điều gì sau vài lần đu đỉnh?

Nên có cái nhìn thực tế, tránh kỳ vọng quá cao

Tôi đầu tư cổ phiếu vì muốn tăng thêm thu nhập, bên cạnh thu nhập chính từ công việc ở tòa soạn. Vì vậy, nếu cứ hừng hực quyết tâm kiểu “tôi phải giàu nhờ chứng khoán” là không hợp lý và thậm chí điều đó sẽ khiến tôi nóng vội đưa ra những quyết định không hợp lý. Bạn đâu thể chỉ bỏ công sức, tiền bạc theo kiểu “phụ” mà mong chờ lợi nhuận lúc nào cũng được như “chính”.

Mọi sai lầm đều phải trả giá bằng tiền mặt. Cũng vì đặt kỳ vọng quá cao nên nhiều lần tôi đã “lì” mà không chốt lời, đến lúc lỗ chổng vó thì lại cuống quýt ra quyết định, thành ra hay bị mua đỉnh xong bán đáy.

Lại kể, với mã NTL (CTCP Phát triển đô thị Từ Liêm), tôi mua vào 6.000 cổ phiếu hôm 24/1 với giá 32.600 đồng/cp, tới ngày 21/2 khi giá lên 37.000 đồng/cp, chỉ chưa đầy 1 tháng tôi “lướt sóng” bỏ túi hơn 26 triệu. Câu chuyện chốt lời nếu chỉ dừng ở đây thì tuyệt vời quá, thế nhưng sau đó thấy giá tăng tiếp tôi tiếc rẻ sao mình chốt lời sớm quá, ở hai đợt sóng trước giá thậm chí có lúc lên mức đỉnh 45.250 cơ mà.

Thế là tôi lại lao đầu vào mua 8.000 cổ phiếu lúc giá xuống 35.850 đồng, khi giá lên 37.700 đồng (ngày 22/3) tôi vẫn… chê không thèm chốt. Và sau đó, không có sau đó. Mã NTL lao dốc không phanh từ đó đến nay, giá hiện tại còn 25.000 đồng/cp. Hàng ngày vợ tôi đi chợ mặc cả từng đồng, mong tiết tiệm vài chục nghìn. Còn tôi, rút tiết kiệm đầu tư chứng khoán và kết cục chỉ riêng mã này đã “bay màu” hơn 86 triệu. Đắng lòng!

Nhà đầu tư huyền thoại William J. O’Neil từng nói: “Bạn sẽ không bao giờ bán được ở đỉnh giá chính xác, do vậy đừng tự giày vò mình nếu cổ phiếu của bạn tiếp tục lên cao hơn nữa sau khi đã bán ra”. Thôi thì từ nay tôi từ bỏ không chơi trò lướt sóng nữa vì người ta đầu tư full-time còn chẳng ăn ai, tôi chỉ nhìn bảng điện tử mua ra bán vào một tí mà đòi thắng thì nghe chừng hơi phi logic, mà mấy cái thứ logic chẳng biết kiểm soát như thế nào. Chưa kể việc suốt ngày ngồi canh bảng điện tử khiến tôi thiếu tập trung trong công việc chính, thường xuyên cảm thấy mệt mỏi và thậm chí còn bị sếp khiển trách.

Michael Sonnenfeldt, nhà sáng lập và đồng thời là chủ tịch của Tiger 21 cũng từng nói rằng “Về mặt dài hạn, khi bạn ở trong thị trường đủ lâu, bạn sẽ học được cách điều chỉnh mục tiêu và kỳ vọng của mình. Lạc quan và thực tế là hai thứ khác nhau. Nhiều người lạc quan nhưng rất không thực tế.”

Tóm lại, tôi học được điều gì sau vài lần đu đỉnh?
Câu chuyện “đu đỉnh”

Chỉ đầu tư nếu bạn sẵn sàng thất bại

Đầu tư chứng khoán như đi tàu lượn siêu tốc, vì khi tăng giá thì tăng rất nhanh, còn khi tụt cũng khiến người chơi choáng váng. Người ta nói rằng chỉ nên đầu tư số tiền bạn sẵn sàng mất, nhưng để làm được tôi thấy khó vô cùng. Bởi vì khi chúng ta bị mất tiền, tâm lý ăn thua xuất hiện.

Chắc hẳn bạn biết 2 câu slogan của các “chứng sĩ” là “Còn thở là còn gỡ”, “ngã ở đâu gấp đôi ở đó”. Kết quả là số tiền bạn sẵn sàng mất lúc ban đầu dần dần trở thành số tiền sẵn sàng mất + X, rồi +Y, +Z.

Giờ đây tôi cố gắng dặn bản thân mình, chỉ đầu tư số tiền vừa phải. Nếu có lãi thì tôi sẽ quay vòng đầu tư thêm, còn lỗ thì cũng đành chịu, không dằn vặt bản thân mỗi ngày. Có thể bạn cho rằng cách nghĩ này AQ, nhưng nghĩ vậy tôi sẽ dần thoát khỏi “bẫy” FOMO, bớt “đu đỉnh” và có thể ra nhiều quyết định chuẩn xác hơn trong tương lai.

Mua vì lý do gì thì bán vì lý do đó

Qua mấy lần “đu đỉnh” tôi rút ra là bán ra khi đạt đủ mức sinh lời kỳ vọng là một dạng kỷ luật, thì cắt lỗ khi vi phạm nguyên tắc cũng là một dạng kỷ luật khác. Ví dụ này, tôi đặt mục tiêu sẽ chốt lời khi cổ phiếu đạt tỷ suất sinh lời 20%, thì cũng nên đặt ra mức cắt lỗ nếu giảm quá 10%.

Việc bán ra phải thực hiện khi một trong hai điều kiện này xảy ra, kể cả đó là cắt lỗ. Đôi khi, giá cổ phiếu có thể giảm tới 20% rồi phục hồi, nhưng cũng có trường hợp, mức giảm sẽ lớn hơn. Vi phạm nguyên tắc đầu tư một lần thì sẽ có lần thứ hai. Tiếp tục vi phạm, việc đầu tư chỉ còn là cảm tính.

Một trong những mệnh đề tham chiếu khác là “mua vì lý do gì thì bán vì lý do đó”. Nếu tôi đã chọn mua theo yếu tố cơ bản của doanh nghiệp thì sẽ bán chốt lời khi đạt mục tiêu, hoặc bán cắt lỗ khi một trong các yếu tố ban đầu đảo chiều, tác động tiêu cực lên hoạt động doanh nghiệp, khiến giá cổ phiếu sụt giảm.

Dù kinh nghiệm đầu tư chứng khoán non nớt của tôi khiến lỗ nhiều hơn lãi, tôi vẫn vui vì mình đã sẵn sàng thử thách bản thân kiếm tiền trên sàn chứng khoán, thay vì chỉ an phận với một công việc thu nhập không cao. Tôi đang từng ngày cố gắng học được kỹ năng đánh giá cổ phiếu, quản trị rủi ro và tự kiểm soát cảm xúc của bản thân, vượt qua được nỗi sợ hãi và tham lam của chính mình.

BÀI VIẾT LIÊN QUAN KHÁC
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT NỔI BẬT