Trang chủKiến ThứcTổng quan về phương pháp đầu tư CANSLIM

Tổng quan về phương pháp đầu tư CANSLIM

CANSLIM là một chiến lược giao dịch trong thị trường tăng giá được tạo ra bởi William J. O’Neil. Chiến lược này nhận biết các tài sản có tiềm năng tăng trưởng mạnh bằng 7 tiêu chuẩn viết tắt từ ký tự C-A-N-S-L-I-M.

CANSLIM là một phương pháp dùng trong thị trường tăng giá, do đó phù hợp với các thị trường có xu hướng tăng mạnh như cổ phiếu. Điểm mạnh của phương pháp CANSLIM so với các phương pháp khác là nó áp dụng cả phân tích kỹ thuật và phân tích cơ bản.

7 tiêu chuẩn đầu tư CANSLIM

Điểm khác biệt của CANSLIM so với các chiến lược khác chính là sự rõ ràng. Anh em chỉ cần kiểm tra 7 quy luật này trước khi ra quyết định mua hoặc không mua tài sản đang nghiên cứu.

  1. C – Doanh thu quý hiện tại (Current Quarterly Earnings)

Tiêu chuẩn đầu tiên là doanh thu quý hiện tại trên mỗi cổ phiếu. Để tính doanh thu quý hiện tại trên mỗi cổ phiếu, anh em lấy doanh thu quý chia cho tổng số cổ phiếu lưu hành. Cổ phiếu đạt tiêu chuẩn C trong CANSLIM cần tăng trưởng 18%-20% so với cùng kỳ năm ngoái. Ví dụ, nếu anh em đang tìm hiểu cổ phiếu vào quý 3 năm 2020, hãy so sánh doanh thu trên mỗi cổ phiếu của quý 3 2021 với doanh thu mỗi cổ phiếu quý 3 năm 2020.

Cổ phiếu đạt tiêu chuẩn C thể hiện sự tăng trưởng tốt và đang sinh lãi.

  1. A – Doanh thu năm (Annual Earnings)

Tiêu chuẩn CANSLIM kế tiếp là doanh thu năm. Cổ phiếu đạt tiêu chuẩn A trong CANSLIM cần tăng trưởng từ 25% trở lên so với năm ngoái. Ngoài ra, công ty còn phải tái đầu tư tốt, thể hiện ở chỉ số lợi nhuận trên vốn ROE cao hơn 17%.

  1. N – Mới (New)

Theo O’Neil, yếu tố “mới” tạo động lực tăng trưởng cho công ty. Mới có thể bao gồm những khía cạnh như công ty mới, sản phẩm mới, giám đốc mới, chiến lược kinh doanh mới,…

  1. S – Cung và cầu (Supply and Demand)

Lý thuyết cung – cầu là một trong những yếu tố nền tảng của kinh tế và tài chính. Ở dạng đơn giản nhất, lý thuyết này cho ta biết khi cầu lớn hơn cung, giá hàng sẽ tăng và khi cung lớn hơn cầu, giá hàng sẽ giảm.

Khi đầu tư cổ phiếu, quy luật cung cầu thể hiện ở nhu cầu mua và bán. Theo O’Neil, những cổ phiếu tốt là những cổ phiếu ít lệnh đặt bán và nguồn cung bị giới hạn. Ngoài ra, nhu cầu mua cổ phiếu thể hiện ở khối lượng giao dịch cổ phiếu theo ngày tăng hơn trung bình của ba tháng trước đó.

Khi lệnh bán giảm dần và khối lượng giao dịch tăng, O’Neil cho biết đây là thời điểm nguồn cung giảm và là thời điểm tốt để mua cổ phiếu.

  1. L – Kẻ dẫn đầu hay kẻ theo sau (Leader or Laggard)?

O’Neil so sánh cổ phiếu đang tìm hiểu so với các đối thủ cùng ngành và toàn thị trường bằng thang điểm RS và cho điểm từ 1-99. Nếu cổ phiếu đạt 95 điểm, điều này có nghĩa là cổ phiếu đang có mức tăng trưởng tốt hơn 95% các công ty khác. Để tìm ra kẻ dẫn đầu trong thị trường cổ phiếu, O’Neil khuyên chỉ nên mua các cổ phiếu có RS lớn hơn 80 (kẻ dẫn đầu thị trường)

  1. I – Đối tác tài chính (Institutional Sponsorship)

Để cổ phiếu tăng giá cần nguồn lực tài chính từ các tập đoàn lớn. Do đó, tiêu chuẩn I trong CANSLIM yêu cầu một cổ phiếu phải có cổ đông là các đối tác tài chính. Những đối tác này có thể là các quỹ tương hỗ, công ty bảo hiểm, ngân hàng,…

Các đối tác tài chính này có nguồn lực mạnh hơn những nhà đầu tư cá nhân. Họ cũng giàu kiến thức và kinh nghiệm trong ngành tài chính để đưa ra những quyết định chính xác khi bỏ phiếu cổ đông.

Khi xem xét tiêu chí này, những đối tác tài chính cũng cần được đánh giá. Ví dụ, nếu cổ đông công ty có những quỹ tương hỗ và ngân hàng, bạn cần xem lợi nhuận và khả năng kinh doanh trong những năm gần đây của các quỹ và ngân hàng đó. Chỉ số O’Neil dùng để đánh giá các đối tác tài chính là MBR (Month Performance Rating) từ báo cáo Investor’s Business Daily. MBR từ B+ trở lên thể hiện một đối tác tài chính đáng tin tưởng.

  1. M – Xu hướng thị trường (Market Direction)

Tiêu chí cuối cùng trong CANSLIM là đánh giá xu hướng chung toàn thị trường. O’Neil tin rằng dù một cổ phiếu đạt 6 tiêu chuẩn đầu thì cũng không thể đi ngược hướng với thị trường. Do đó, 50% quyết định mua là đúng hoặc sai sẽ dựa vào việc xác định đúng xu hướng hiện tại của thị trường.

Để đánh giá xu hướng hiện tại của thị trường, O’Neil khuyến khích theo dõi các chỉ số: S&P 500, NASDAQ, Dow Jones và NYSE. Trong xu hướng tăng, các chỉ số này sẽ tăng cùng với khối lượng giao dịch lớn. Trong xu hướng giảm, phương pháp CANSLIM khuyến khích đứng ngoài thị trường, nắm giữ tiền mặt và chờ cơ hội.

M - Xu hướng thị trường (Market Direction)

Tham khảo thêm: Cách giao dịch với chỉ báo CCI đơn giản

Quy tắc giao dịch theo CANSLIM

  1. Cắt lỗ 8%

Sau khi chọn được cổ phiếu, anh em cần vào lệnh theo quy tắc CANSLIM để tối ưu lợi nhuận và hạn chế thua lỗ. O’Neil cho biết bí quyết để kiếm lợi nhuận từ thị trường chứng khoán không phải là cố gắng chiến thắng 100%, mà là mất ít tiền nhất khi sai. Do đó, ông đề ra quy tắc quan trọng nhất khi giao dịch: Luôn luôn cắt lỗ ở mức 8%.

Các quỹ lớn không thể mua hoặc bán cổ phiếu quá nhanh, nhưng các nhà đầu tư cá nhân thì có thể. Do đó, bí quyết để trở thành một nhà đầu tư cá nhân thành công là nhanh chóng nhận sai và cắt lỗ. Mức 8% là tối đa, lý tưởng thì nên cắt lỗ ở mức nhỏ hơn.

  1. Kiên nhẫn khi chốt lời

O’Neil cho rằng phần lớn các nhà đầu tư đều đang làm ngược: chốt lời quá sớm nhưng lại chần chừ khi cắt lỗ. Để tối ưu lợi nhuận, trader cần chốt lời chậm.

Mức chốt lời phù hợp nên là 20-25%, trường hợp duy nhất trader có thể đặt kỳ vọng cao hơn là khi giá cổ phiếu tăng hơn 20% trong vòng 2-3 tuần. Lúc đó, trader có thể theo dõi thêm 8 tuần trước khi chốt lời.

  1. Trung bình giá lên

O’Neil cũng áp dụng chiến lược của Jesse Livermore trong phương pháp của mình, đó là trung bình giá lên. Trung bình giá lên là kỹ thuật bạn mở thêm lệnh mua khi giá tăng.

Mỗi khi giá tăng thêm 2-3%, hãy mở thêm lệnh nhỏ vì lúc này bạn đang dự đoán đúng xu hướng. Áp dụng chiến lược này, bạn sẽ thua lỗ ít khi đoán sai và sẽ tối ưu được lợi nhuận khi đoán đúng.

Nhược điểm của phương pháp CANSLIM

Tương tự mọi chiến lược giao dịch, CANSLIM không hoàn hảo và có những giới hạn. Nhược điểm đầu tiên của CANSLIM là nó khó áp dụng cho tất cả thị trường, ví dụ những thị trường cổ phiếu mới nổi hoặc tiền điện tử,…

Nhược điểm thứ hai của CANSLIM là nó khá chủ quan. Cùng một đồ thị, 2 trader khác nhau có thể có 2 đánh giá CANSLIM khác nhau. Do đó, hãy luyện tập thuần thục trước khi sử dụng số vốn lớn với CANSLIM.

Chúc anh em thành công!

Nhatkytraders.

Đánh giá bài viết

0 / 5. Lượt đánh giá: 0

Translator
Translator
Hơn 10 năm kinh nghiệm làm nhân viên ngân hàng, hiện đang tư vấn cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp về đầu tư, bảo hiểm, ...
BÀI VIẾT LIÊN QUAN KHÁC
Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
BÀI VIẾT NỔI BẬT